Tiếp tục tìm nhà đầu tư chiến lược, cổ phần VRG có "mang đến lại mang về"?

Tới đây, VRG sẽ tiếp tục bán 475 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 11,88% vốn điều lệ.Tuy nhiên, với nhiều điều kiện khắt khe đối với nhà đầu tư chiến lược,việc "mang đến lại mang v
Tiếp tục tìm nhà đầu tư chiến lược, cổ phần VRG có "mang đến lại mang về"?

Theo thông tin mới nhất từ Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tập đoàn này đã lùi ngày chốt nhận hồ sơ đăng ký tham gia mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược từ ngày 31/1/2018 sang ngày 2/3/2018.

Vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa là 40.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 75%, bán đấu giá công khai 11,88%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 11,88%, còn lại bán ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, phiên đấu giá công khai 11,88% vốn, tương đương 475 triệu cổ phần với giá khởi điểm 13.000 đồng/ cổ phần trong tháng 1/2018 của VRG đã không thành công, cổ đông nhà nước chỉ thu về được 1.311 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng.

Phiên IPO chỉ thu hút 499 NĐT đăng ký mua cổ phần với tổng khối lượng đăng ký chỉ đạt gần 101 triệu cổ phần trên tổng số 475,1 triệu cổ phần (tương đương 11,88% vốn điều lệ) đưa ra đấu giá. Trong đó, NĐT trong nước đăng ký mua 34,2 triệu cổ phần, NĐTNN cá nhân đăng ký mua 507.200 cổ phần, tổ chức trong nước đăng ký mua 39,4 triệu cổ phần và NĐTNN tổ chức đăng ký mua 26,66 triệu cổ phần.

Nguyên nhân khiến đợt IPO này kém hấp dẫn được cho là đến từ việc Nhà nước vẫn nắm giữ 75% cổ phần VRG sau cổ phần hóa, nguyên nhân này cũng khiến VRG gặp khó khăn trong tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

"Thêm một nguyên nhân khiến cổ phần VRG "ế ẩm" là VRG sẽ không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài do quản lý quỹ đất "khủng" lên tới 42.000ha, trong đó có nhiều vị trí liên quan tới quốc phòng, an ninh.

Do đó, VRG chỉ có thể tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong nước. Điều này rõ ràng sẽ làm hẹp lại cơ hội của VRG trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Đi cùng với đó là những điều kiện khắt khe đối với nhà đầu tư chiến lược như, lợi nhuận sau thuế trong 3 năm liên tiếp, có vốn điều lệ của năm trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng (mục tiêu là các tổ chức tài chính) hoặc tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu của VRG và ưu tiên có tối thiểu 3 năm hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của VRG (mục tiêu là các doanh nghiệp có ngành nghề liên quan đến hoạt động cốt lõi của Tập đoàn).

Nhà đầu tư phải cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với VRG. Toàn bộ số cổ phần được mua phải được cam kết không chuyển nhượng trong thời gian tối thiểu là 5 năm tính từ khi trở thành cổ đông của Tập đoàn. Nhưng chốt chặn lớn nhất lại nằm ở quy định: Khi nhà đầu tư chiến lược muốn chuyển nhượng số cổ phần này, phải ưu tiên bán cho cổ đông Nhà nước, nếu cổ đông Nhà nước từ chối mua thì mới được chào bán cho nhà đầu tư bên ngoài và không được chuyển nhượng số cổ phần này cho nhà đầu tư nước ngoài.

Không chỉ vì quy mô quá lớn, mô hình tổ chức của VRG cũng khá phức tạp, có thể khiến một số nhà đầu tư nản lòng nếu muốn tham gia cơ cấu lại hoạt động của tập đoàn này. Theo báo cáo cổ phần hóa, VRG có đến 123 đơn vị thành viên, trong đó có 75 doanh nghiệp cấp II và 48 doanh nghiệp cấp III. Trong đó, đáng chú ý là rất nhiều đơn vị thành viên có quy mô rất lớn nhưng chưa tiến hành cổ phần hóa như Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng hay Phú Riềng... Điều này dẫn đến tính minh bạch và khả năng thu thập số liệu đủ độ tin cậy của tập đoàn bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, cho đến nay, VRG vẫn đang còn khoản đầu tư ngoài ngành tại 17 doanh nghiệp trong các lĩnh vực như thủy điện, du lịch, bất động sản, xi măng, quỹ đầu tư chứng khoán… với giá trị lên đến hơn 1.656 tỉ đồng.

Do đó, khả năng chào bán thành công số cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược tới đây cũng rất thấp.

>> Sai phạm lớn tại VRG: "Đốt tiền" vào công ty sân sau

Có thể bạn quan tâm