Tín dụng bất động sản tăng cao nhất, doanh nghiệp vẫn muốn nhiều thứ hơn

Mặc dù đã chiếm hơn 21% tổng dư nợ của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn mong muốn được vay nhiều hơn. Đồng thời, họ cũng đưa ra các đề xuất khác như được tiếp cận vốn thấp, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng...
Tín dụng bất động sản tăng cao nhất, doanh nghiệp vẫn muốn nhiều thứ hơn

Như Thươnggiaonline đã thông tin, sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tại đây, mặc dù dư nợ tín dụng đang là ngành cao nhất nền kinh tế nhưng các tập đoàn bất động sản vẫn mong muốn vay nhiều hơn và được giãn nợ.

Tín dụng và nợ xấu bất động sản cùng tăng

Số liệu được bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, kể từ năm 2017 tới hết năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19), tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng trên 20%/năm; cao hơn mức độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (từ 13-14%) và giữ tỷ trọng từ 18-19% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Thậm chí, vào năm 2020 và 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn có sự tăng trưởng lần lượt ở mức 12,06% và 15,37%. Còn đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 5 năm qua).

Tuy nhiên, bà Giang cũng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng nhích dần lên. Hiện đang ở mức 1,81%, trong khi cuối năm 2021 vẫn là 1,67%.

Tín dụng bất động sản
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Nói thêm về tín dụng bất động sản, vị lãnh đạo này cho hay, nếu chia theo cơ cấu kỳ hạn, có khoảng 94% dư nợ ngành này có thời gian từ 10-25 năm. Thế nhưng, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn). Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản.

Ngoài ra, dư nợ tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 68%. Mặc dù mục đích này theo thống kê là hướng tới nhu cầu thực và được đánh giá rủi ro ít hơn mục đích kinh doanh bất động sản, song tiềm ẩn rủi ro khách hàng kê khai mục đích để phục vụ nhu cầu mua nhà để ở nhưng bản chất là để đầu tư kinh doanh.

Doanh nghiệp muốn đủ thứ

Theo ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, tiền từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn rất dồi dào. Tuy nhiên, kênh huy động này tại Việt Nam đang bị bế tắc.

Để giải quyết tình trạng này, ông Khương đề nghị cơ quan quản lý xem xét có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại. Trong đó đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh.

“Chúng tôi rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room tín dụng. Đây là cách giải quyết cho câu hỏi của các trái chủ rằng doanh nghiệp có tồn tại được không, có tiếp tục kinh doanh được không”, ông Khương nói.

Ở góc nhìn khác, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes, cho biết vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là mục đích vay vốn. Bởi lẽ, các công ty bất động sản khi góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác, trên quan điểm thận trọng của các ngân hàng thương mại, sẽ không tài trợ cho vay để góp vốn mua bán mà quy vào hoạt động cho vay, góp vốn đầu tư cổ phiếu, cổ phần. Nhưng quy định này đang bị hạn chế bởi Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước.

“Trong đầu tư bất động sản, có nhiều chi phí phát sinh, nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng giải ngân như chi phí giải phóng mặt bằng. Trước đây, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tốt thì doanh nghiệp có thể huy động vốn để tài trợ cho các chi phí ban đầu này. Nhưng giờ kênh trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nên xem xét về quy định này”, ông Hoa chia sẻ.

Bất động sản vingroup
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes

Vướng mắc tiếp theo ông Hoa nêu là tài sản bảo đảm. Với quan điểm tiếp cận thận trọng và lo ngại về rủi ro thị trường, ông Hoa cho biết các ngân hàng thương mại yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo cao hơn vốn vay thông thường. Chính vì vậy, khi các dự án đang triển khai, chủ đầu tư phải bổ sung các tài sản đảm bảo khác.

Trên cơ sở đó, đại diện Vinhomes đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Cuối cùng, về lãi suất vay vốn, ngành bất động sản đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200%. Ông Hoa cho rằng, các dự án bất động sản có đầy đủ cơ sở pháp lý thì không quá nhiều rủi ro so với các ngành kinh doanh khác. Do đó, lãi suất cho vay cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng.

Còn bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland cho biết, cuối năm 2022, cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều biến động. Đối diện với rất nhiều khó khăn, Novaland đã kết hợp với một số bên để tiến hành tái cấu trúc. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Sau khi nghe các ý kiến của doanh nghiệp, đại diện ngành ngân hàng lập tức phản hồi ngay tại hội nghị. Trước hết về vấn đề room tín dụng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế được định hướng 14-15% có điều chỉnh. Nếu tính riêng cho ngành bất động sản thì sẽ không tính được, bởi đây là câu chuyện nội bộ của các ngân hàng thương mại.

“Tôi khẳng định không có room tín dụng cho từng ngành nghề. Đồng thời, đầu năm không có ngân hàng nào thiếu room tín dụng, việc thiếu room chủ yếu chỉ xảy ra vào thời điểm cuối năm”, ông Tú nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng bất động sản. Không những vậy, định hướng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh, ngân hàng thương mại thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Về loạt kiến nghị khác, bà Hồng thông tin, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn với 70% vướng mắc ở tính pháp lý. Phần ít thuộc về vốn ngân hàng liên quan tới mục đích vay; hệ số rủi ro áp dụng cao hơn; giá trị tài sản đảm bảo; lãi suất…

“Ngân hàng Nhà nước ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Song doanh nghiệp cũng phải chia sẻ, bởi lẽ, ngành ngân hàng vẫn còn phải cân đối nhiều mục tiêu mà cũng vì mục tiêu chung của nền kinh tế chứ không phải vì mục tiêu riêng của ngành”, bà Hồng nhấn mạnh.

Vì vậy, bà Hồng mong muốn bản thân doanh nghiệp cần có các giải pháp tự cơ cấu, nâng cao sức khỏe tài chính và giảm phụ thuộc vốn ngân hàng. Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.

“Mong rằng bản thân các doanh nghiệp tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân ngành ngân hàng cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này”, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nói.

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...