Cụ thể, tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư vào 35 dự án, có quy mô 8.337ha, thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; công nghiệp chế biến nông lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; nông lâm nghiệp; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong số này, 11 dự án xây dựng hạ tầng gồm: Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên tại huyện Mang Yang (giai đoạn 1 là 266ha; giai đoạn 2 là 245ha); cụm công nghiệp số 1 huyện Đak Pơ 75ha; khu dân cư đường Đặng Trần Côn, TP Pleiku 2ha; khu dân cư 125A Lý Nam Đế, TP Pleiku quy mô 1ha; khu đô thị thôn 3, xã Diên Phú, TP Pleiku 14,95ha; dự án Khu biệt thự và nhà phố cao cấp xã Trà Đa, TP Pleiku 11ha; tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn huyện Phú Thiện 1,67ha.
Cùng đó, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp thị xã An Khê rộng 2ha; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ Thắng Lợi, TP Pleiku 2.038m2; bệnh viện huyện Chư Sê 3,782ha (quy mô 150 giường bệnh); khu dân cư đường Lương Thế Vinh và hẻm 142 Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế, TP Pleiku 1,62ha.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, tỉnh Gia Lai sẽ kêu gọi đầu tư 2 dự án gồm: Khu du lịch sinh thái suối đá cổ Ia Ly, huyện Chư Păh quy mô 92,33ha và tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch tâm linh Hòn đá Trải, thị trấn Kon Yơng huyện Mang Yang quy mô 58,71ha.
Mặt khác, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư 8 dự án. Một số dự án đáng chú ý như: Nhà máy chế biến đá Granite và đá Bazan; nhà máy sản xuất chất đốt từ phế phẩm nông nghiệp; nhà máy sản xuất chế biến gỗ và ván ghép thanh; nhà máy chế biến thức ăn gia súc…
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng kêu gọi đầu tư 14 dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Trong đó lớn nhất là dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tái sinh bảo vệ rừng 1800ha; còn lại 11 dự án trồng rừng có quy mô hàng trăm đến hàng nghìn ha…