Tổng thống Trump đang biến WTO trở thành vô nghĩa

Những động thái thương mại cứng rắn gần đây của Mỹ và đòn đáp trả từ Trung Quốc sẽ đe dọa nghiêm trọng các giá trị nền tảng của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Tổng thống Trump đang biến WTO trở thành vô nghĩa

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các định chế Bretton Woods và sau này là Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã là thành trì bảo vệ tự do và công bằng trong thương mại giữa các quốc gia.

Nhưng nay, các quy định của WTO dường như trở nên vô hiệu lực kéo theo nghi ngờ về vai trò của WTO trong duy trì ổn định thương mại quốc tế trước bối cảnh các nước lớn tìm mọi cách bảo vệ lợi ích quốc gia.

Hành động đơn phương

Tổng thống Mỹ hôm 22/3 công bố kế hoạch áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD. Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ trả đũa với các dòng thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Trong mắt giới chuyên gia, động thái của Washington đã qua mặt WTO và khiến các quy định về tự do thương mại của tổ chức này trở nên vô giá trị.

Theo quy định, Mỹ phải tiến hành các thủ tục điều tra trước khi đưa ra khiếu nại chính thức tới WTO, thay vì đơn phương hành động. Và đòn đáp trả của Trung Quốc, nếu được tiến hành, cũng không hề tuân theo quy định của WTO.

WTO từ lâu coi tổ chức này là Liên Hợp Quốc về thương mại toàn cầu, diễn đàn nơi 164 nền kinh tế ngồi lại để thỏa thuận về việc thực thi các cam kết hội nhập và giải quyết các bất đồng. Nay, khi Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang ở gần bờ vực chiến tranh thương mại hơn bao giờ hết, WTO lại bất lực. 

Trong buổi phỏng vấn hôm 22/3, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo bày tỏ quan ngại trước hiện tượng các nền kinh tế thành viên đang tự giải quyết các bất đồng mà không thông qua WTO.

"Những hành động đơn phương sẽ dẫn tới leo thang áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, kết cục có thể là một cuộc chiến tranh thương mại. Tôi cực kỳ quan ngại về vấn đề này", ông Azevedo nói.

Cũng trong ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận đang đi ngược lại quy định của WTO, nhưng nguyên nhân do các quy định của WTO là "thảm họa đối với nước Mỹ".

Nhưng có vẻ khá mâu thuẫn khi đồng thời Washington tuyên bố có kế hoạch khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết vụ kiện nhằm buộc Bắc Kinh chấm dứt chính sách ép buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc đổi lấy quyền tiếp cận thị trường 1,3 tỷ dân.

Động thái áp thuế lịch sử của Washington được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Trump áp thuế nặng nề nhắm vào nhôm và thép nhập khẩu của nhiều quốc gia, với mục đích cuối cùng là nhắm vào Trung Quốc.

Các chuyên gia đánh giá các biện pháp thương mại của Mỹ có tác động nguy hiểm, vượt xa thiệt hại đối với ngành sản xuất nhôm thép, đe dọa tới giá trị nền tảng của WTO.

Chính quyền Tổng thống Trump đặt ra thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép với lý do an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa khi quá phụ thuộc vào kim loại nhập khẩu.

Lý do mà Washington đưa ra chẳng khác nào một lời biện minh và bị coi là mồi lửa châm lên sự lo ngại của các quốc gia khác và đặt ra áp lực phải bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Cơ chế của WTO đang dần lỗi thời

Những tuần qua, trụ sở WTO tại Geneva chìm trong lo âu và căng thẳng. Nhiều chuyên gia nhận định những bước đi gần đây của chính quyền Tổng thống Trump đã biến WTO, từ tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới về thương mại, trở thành một lựa chọn "để cho có" và các quốc gia có thể xé bỏ cam kết với WTO bất cứ lúc nào nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận đồng ý cho phép Trung Quốc gia nhập WTO. Ảnh: AFP. 

Nhiều chuyên gia lại nhìn nhận Tổng thống Trump đang dùng các biện pháp cứng rắn như công cụ phục vụ các cuộc đàm phán thương mại. Thực tế, thuế đánh vào nhôm thép nhập khẩu đã được đình chỉ đối với EU cùng nhiều đối tác đang hoặc sắp khởi động đàm phán với Mỹ.

Các quan chức của WTO cho rằng những biến động gần đây của bức tranh thương mại toàn cầu cho thấy các quy định của WTO đã trở nên lỗi thời trước sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc. 

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập thành công WTO, thế giới đã kỳ vọng vào những cơ hội về tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới cũng như sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế của Trung Quốc. 

Những năm qua, Trung Quốc đã thu hút lượng đầu tư nước ngoài khổng lồ, mà một phần không nhỏ đến từ Mỹ. Hàng triệu nhà máy được xây dựng, sản xuất ra những sản phẩm mà sau này được đưa tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Nhưng, những trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài không hề có tiến triển.

Trung Quốc nhiều năm nay buộc các công ty nước ngoài tham gia mô hình liên doanh với các đối tác nước chủ nhà và phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc vẫn là trụ cột của nền kinh tế nước này, được hưởng những khoản tín dụng ưu đãi nhất và nhiều trợ cấp khác.

Các quan chức và nhà ngoại giao nước ngoài nay thừa nhận kỳ vọng đưa Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế thế giới sẽ thúc đẩy nước này tôn trọng các giá trị tự do là một thất bại. Hậu quả của thất bại này khiến nhiều chuyên gia lo ngại cho tương lai của cả hệ thống WTO.

"Nếu các thành viên đơn phương hành động bất chấp các nguyên tắc, luật lệ, môi trường kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng trở nên xấu đi", ông Azevedo nói.

Mỹ từ lâu phàn nàn về quá trình chỉ định các thẩm phán mới của Cơ quan phúc thẩm WTO, cơ quan sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng cho các tranh chấp tại WTO. Washington cho rằng quá trình chỉ định quá chậm và thiếu công bằng.

Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra sáng kiến nào để cải thiện quy trình này, trong khi ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán mới dù các thẩm phán hiện tại đang dần hết nhiệm kỳ.

"Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chúng ta có những thỏa thuận mà không có biện pháp thực thi. Nếu chúng ta không giải quyết tình trạng hiện tại của Cơ quan phúc thẩm, trong tương lai, cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ tê liệt và cả hệ thống WTO sẽ bị vô hiệu", ông Azevedo nói.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…