Mới đây, cơ quan theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới IQAir đã đưa ra danh sách 100 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới.
Đáng chú ý, 99 trong 100 thành phố này nằm ở châu Á và đều vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong đó, có 83 thành phố nằm ở Ấn Độ, những thành phố ô nhiễm không khí tại Ấn này đều có chỉ số ô nhiễm vượt quá 10 lần so với ngưỡng tiêu chuẩn về chất lượng không khí.
Theo báo cáo, trên khắp Ấn Độ, 1,3 tỷ người, tương đương 96% dân số, sống với chất lượng không khí cao gấp 7 lần so với tiêu chuẩn về chất lượng không khí của WHO.
Trung Quốc đã đảo ngược xu hướng khi ghi nhận mức độ ô nhiễm giảm đáng kể trong 5 năm qua. Trong quá khứ, các thành phố ở Trung Quốc đã từng thống trị bảng xếp hạng toàn cầu về chất lượng không khí tồi tệ nhưng hàng loạt các chính sách về không khí sạch trong thập kỷ qua đã làm không khí ở Trung Quốc trở nên tốt hơn.
Trong số hơn 7.812 thành phố tại 134 quốc gia trên toàn thế giới được IQAir phân tích, chỉ có 9% các thành phố có chất lượng không khí đáp ứng tiêu chuẩn của WHO. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn cầu ngày càng nặng nề.
Chỉ có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có chất lượng không khí trong lành nhất, bao gồm: Phần Lan, Cộng hòa Estonia, Puerto Rico, Úc, New Zealand, Bermuda, Grenada, Iceland, Mauritius và Polynesia thuộc Pháp.
Báo cáo của IQAir cho biết, con người đã gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nặng nề này, việc đốt các nguyên liệu trong ngành công nghiệp là nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm không khí.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang dẫn tới những thay đổi về thời tiết, đặc biệt là gió và lượng mưa, tình trạng nắng nóng cực độ sẽ càng trở nên gay gắt. Hơn nữa, khủng hoảng khí hậu là tác nhân chính dẫn dắt sự phát tán mạnh mẽ các chất ô nhiễm.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí đang dần dẫn tới các vụ cháy rừng nghiêm trọng hơn ở nhiều khu vực rừng rậm trên thế giới. Điều quan trọng hơn nữa được IQAir đưa ra là chính sức khỏe của con người đang bị đe dọa.
Trong năm 2023, các nước châu Á cũng đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí. Chất lượng không khí trung bình ở Bangladesh đã vượt quá mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gấp 16 lần đã khiến nước này trở thành quốc gia ô nhiễm không khí nhất trên toàn cầu.