Chiều 27/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có buổi giám sát tại UBND TP về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch TP đến nay đã được xây dựng hoàn chỉnh, bài bản trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý từ các cấp, các ngành, nhân sĩ, trí thức của TP và các cơ quan trung ương. Dự kiến TP sẽ trình thẩm định trong tháng 1/2022 và phê duyệt trong đầu quý I/2022.
Quy hoạch trên được lập đồng thời với ba quy hoạch gồm: Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp nước TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình, bốn quy hoạch trên thời kỳ và tầm nhìn lập quy hoạch là khác nhau nên TP gặp khó khăn đối với yêu cầu đồng bộ, tương thích về nội dung và thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch nêu trên. So với các địa phương khác, việc lập quy hoạch TP, theo ông Bình là có chậm.
Nguyên nhân là do tác động của dịch COVID-19. Ngoài ra, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư phải trải qua nhiều công đoạn, trình tự thủ tục khiến cho công tác xây dựng nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch bị kéo dài.
“Mặt khác, các đơn vị tư vấn đủ kinh nghiệm, năng lực xây dựng quy hoạch rất ít, cùng thời điểm này, nhiều tỉnh, thành trong cả nước cùng xây dựng quy hoạch tỉnh nên TP có khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thích hợp” - ông Bình nêu.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, ông Bình cho biết hiện nay nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cũng đã được Chính phủ phê duyệt. TP đang tiến hành các bước tiếp theo để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Theo ông Lê Hòa Bình, từ năm 2012, TP đã cơ bản hoàn thành việc phủ kín quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 - 1/5000. Tổng cộng có 600 đồ án với quy mô hơn 88.000 ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển đô thị, kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.
Theo ông Bình cho biết thời gian tới, TP tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện đối với đồ án đã được duyệt quy hoạch quá năm năm để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.
Bên cạnh đó, TP cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc chung của TP (thay thế Quyết định 29/2014 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2021) và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cho KĐT mới Thủ Thiêm. TP cũng đang xây dựng thiết kế đô thị xung quanh khu vực nhà ga các tuyến metro số 1, 2 và các khu vực trọng tâm để xác định quỹ đất kêu gọi đầu tư và chỉnh trang đô thị.
TP cũng tiến hành tổ chức thi tuyển ý tưởng quốc tế và hoàn thành quy hoạch không gian ngầm khu trung tâm hiện hữu TP 930 ha và KĐT mới Thủ Thiêm 657 ha và các KĐT mới. Đáng chú ý, TP đang cho điều chỉnh quy hoạch phân khu của các KĐT Bình Quới - Thanh Đa, KĐT du lịch biển Cần Giờ 2.870 ha…
Ông Bình cho biết đối với công tác lập/điều chỉnh quy hoạch, lập quy chế và thiết kế đô thị, TP có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng các đồ án. Trong đó, chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể 41 đồ án quy hoạch phân khu đã được duyệt trước đây. Đồng thời phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đối với 194 khu vực quy hoạch và tuyến đường giao thông.
Theo đó, đã lập, điều chỉnh quy hoạch một số khu vực quan trọng của TP như các đồ án quy hoạch 1/5000 KĐT Tây Bắc, KĐT Hiệp Phước, quy hoạch 1/2000 khu trung tâm hiện hữu 930 ha…