Mặc dù TP đã nỗ lực kêu gọi các đơn vị tham gia cải tạo nhưng trong 15 chung cư nói trên chỉ có 2 chung cư đã có chủ đầu tư, số còn lại vẫn còn hoạt động trong điều xuống cấp nghiêm trọng và đe doạ trực tiếp đến 861 hộ dân.
Tuy nhiên, trong năm 2018, Sở Xây dựng TP. HCM quyết tâm tháo dỡ và xây mới 7 chung cư đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Song song đó, 3 chung cư khác cũng sẽ được xây mới sau khi thỏa thuận bồi thường xong.
Các chung cư sẽ bị phá bỏ bao gồm: Chung cư Nakyco, chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, chung cư Thanh Đa (lô IV – VI), chung cư 128 Hai Bà Trưng, chung cư 11 Võ Văn Tần, chung cư Cô Giang, chung cư Nguyễn Kim (khu A).
Sở Xây dựng cho biết thêm, TP. HCM tiếp tục sẽ cải tạo, sửa chữa 10 chung cư với diện tích sàn là 116.778 m2 và 1.761 căn hộ; triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư với diện tích gần 28.000 m2 sàn xây dựng và 580 hộ phải di dời; đồng thời tháo dỡ 5 chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm với tổng diện tích hơn 82.000 m2 sàn xây dựng.
Các chung cư được cải tạo, sửa chữa bao gồm: chung cư 22 Nguyễn Trãi, chung cư 17 Nguyễn Thái Học, chung cư 145 Nguyễn Trãi, chung cư 22 Lý Tự Trọng, chung cư 62 Trần Hưng Đạo (thuộc Q.1),Chung cư 52 Lão Tử – 216 Phùng Hưng (Q.5), lô T và lô X của chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), chung cư 231/9 Lê Văn Sỹ (Phú Nhuận), lô số VIII, X, XI cư xá Thanh Đa và lô A, B, E, F cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh).
UBND TP HCM đặt kế hoạch đến năm 2020 phải giải quyết 50% trong số 474 chung cư cũ. Thế nhưng, Sở Xây dựng cho rằng với tình hình hiện tại rất khó để đạt được mục tiêu đề ra.
Một ví dụ điển hình, từ năm 2007-2017, TP chỉ có thể dỡ được 32 chung cư cũ và tốc độ cải tạo rất chậm. Chưa kể, nhiều đơn vị đầu tư đăng ký dự án nhưng rồi "ngâm" không thực hiện.
Riêng năm 2017, TP đặt kế hoạch tháo dỡ 10 chung cư nhưng chỉ thực hiện được 3 ở quận 1, quận 3 và quận Tân Bình.