Thông tin tại chương trình Tọa đàm “Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM 2020", ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, có đến 61% doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ, 28% DN cho rằng quy trình, thủ tục phức tạp, 14% DN đánh giá cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình, 9% DN không giữ được người lao động để hoạt động.
Các rào cản trong chứng minh thiệt hại do Covid-19 khiến quá trình triển khai các gói hỗ trợ kéo dài. Ngay cả khi đáp ứng điều kiện của các ngân hàng thì số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của DN.
Từ đây, ông Chu Tiến Dũng đề xuất, TP. HCm cần quan tâm, chỉ đạo tập trung một số hoạt động hỗ trợ DN. Trong đó, từng bước nới lỏng cách ly xã hội, nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất kinh doanh trong nước; khai thông các khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Các gói đầu tư công cần có thêm các tiêu chí ưu tiên DN trong nước tham gia đấu thầu, quan tâm nhiều hơn việc sử dụng sản phẩm trong nước và công khai thông tin thực hiện. Tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm, thủ tục xuất khẩu đối với doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Ông Chu Tiến Dũng cũng mong muốn Thành phố hỗ trợ, đồng hành cùng DN chuyển đổi số. Cần có chính sách phát triển mạnh DN ngành thương mại điện tử và DN giao nhận hàng hóa cho phù hợp với tình hình mới.
Liên quan đến sử dụng gói hỗ trợ, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP cũng kiến nghị thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực được xác định là đối tượng doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp do Covid-19 được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin - cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.
TP. HCM nên thành lập “ban chỉ đạo” có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp kèm theo “đường dây nóng” để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ doanh nghiệp, người dân thành phố, bà Chi nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Thành phố, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 thì cho hay đã chủ động kết nối với Hiệp hội du lịch các địa phương trọng điểm như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh… để bàn biện pháp kích cầu cho mùa hè năm nay. Xác định đối tượng ưu tiên của chương trình kích cầu chính là du khách nội địa. Cách làm này cũng phù hợp với nhiều lĩnh vực khác, khai thác thị trường tại chỗ trong khi chưa xác định được thời điểm dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát hoàn toàn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Viettravel cho biết, gần như 100% DN lữ hành phải tạm ngừng hoạt động, đến thời điểm này tình hình kinh doanh lữ hành vẫn còn vô vàn khó khăn. Cần có kế hoạch, lộ trình và công bố thông tin hoạt động trở lại với dịch vụ lưu trú và dịch vụ hỗ trợ cho du lịch và phải có sự liên kết giữa các địa phương, không thể làm đơn độc từng địa phương.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp du lịch mong mỏi các gói hỗ trợ nhanh chóng triển khai vào thực tế. Cho đến hôm nay, chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng cho NLD bị mất việc đang triển khai rất chậm và không đồng bộ giữa các quận, huyện. Ông Kỳ đề xuất có thể chuyển gói hỗ trợ này cho DN trực tiếp triển khai và vận dụng nguyên tắc hậu kiểm như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi ý trước đó. Về gói hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng, ông Kỳ kiến nghị ngân hàng Nhà nước xem xét gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi kéo dài trong 6 tháng, đủ thời gian cho DN phục hồi sau dịch.
Trên góc độ nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế như TS Trần Du Lịch, GS.TS Hồ Đức Hùng - Trường Đại học Kinh tế TPHCM kiến nghị các giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế Thành phố cần quan tâm đến nhóm đối tượng tiểu thương, tiểu chủ. Hiện Thành phố có gần 300.000 hộ kinh doanh tiểu thương nhỏ lẻ. Chính những tiểu thương này mới là đối tượng bị tổn thương ghê ghớm do dịch Covid-19. Do đó, TP cần có chính sách để hỗ trợ những đối tượng này cùng các DN phục hồi sớm, góp phần thúc đẩy kinh tế cho thành phố phát triển.
TS Trần Du Lịch cho rằng, để phục hồi kinh tế thành phố thì ngoài các nhóm biện pháp mà Chính phủ đang thực thi, TP. HCM cần bổ sung thêm những giải pháp khác. Chẳng hạn, về an sinh xã hội, ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ trị giá 62.000 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, nếu TP bổ sung thêm nguồn lực thì đây là biện pháp giúp kích thích tổng cầu tăng rất lớn. Bởi những người nhận tiền từ gói này là xài ngay. Người nào cầm tiền mà xài ngay thì đó là những đối tượng cần đưa tiền; còn người nào mà đưa tiền nhưng họ cất trong tủ, gửi ngân hàng thì chưa cần đưa lúc này.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ông Lịch nhận định hiện nay rất nhiều doanh nghiệp than vãn bị nợ chồng nợ chất, nếu theo đúng quy định khoản vay của họ sẽ bị chuyển thành nợ xấu.
"Một khi khoản vay bị chuyển thành nhóm nợ xấu thì DN không vay bổ sung được. Mà không vay được thì cũng đồng nghĩa là không có khả năng trả nợ được và cũng không hoạt động kinh doanh tiếp tục được. Như vậy doanh nghiệp chỉ còn con đường chết mà thôi.
Do vậy, cho vay tiếp hay còn gọi “nuôi nợ” để đòi nợ là cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn như thế này", TS Trần Du Lịch nói và nhắc lại cách làm rất hay của Thành phố những năm trước, đó là kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trong đó chính quyền Thành phố, các quận, huyện giữ vai trò trung gian như một sự cam kết, bảo lãnh cho doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tiếp cận các gói ưu đãi lãi suất của các tổ chức tín dụng. Có như vậy, những DN đang thực sự khó khăn mới tiếp tục khơi thông được dòng vốn khôi phục sản xuất kinh doanh.