TP.HCM: Chiến lược phục hồi kinh tế hình chữ "V" đầy thách thức

Đại dịch COVID-19 như một cơn bão mạnh quét qua nền kinh tế - xã hội của TP.HCM để lại những tác động nặng nề, kéo kinh tế TP. HCM xuống đáy với kỷ lục buồn “lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng âm”.
TP.HCM: Chiến lược phục hồi kinh tế hình chữ "V" đầy thách thức

Chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế hình chữ “V” đang được đặt ra với TP.HCM một cách đầy tham vọng nhưng cũng không ít thách thức.

Đi lên từ "vạch âm" 

Là "đầu tàu" trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước, TP.HCM thường xuyên duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP cao, ổn định. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2019, GRDP của thành phố đạt mức tăng trưởng trung bình mỗi năm 7,72%. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID-19, năm 2020, chỉ số này của thành phố chỉ còn tăng trưởng rất khiêm tốn, chỉ đạt 1,41%.

Đáng tiếc là đây chưa phải là đáy tăng trưởng khi mà đợt dịch lần thứ 4 đầy ám ảnh đã khiến các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố gần như tê liệt, “đóng băng” trong thời gian dài. “Hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ngưng trệ, kéo lùi nghiêm trọng kinh tế thành phố, cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sức khỏe, tinh thần của người dân”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ và cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78% và phát sinh hàng loạt hệ lụy, bất cập trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dân cư, vấn đề an sinh xã hội… đe dọa đến vị trí, vai trò của thành phố đối với khu vực phía Nam và vai trò “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế của cả nước…

Đáy của chữ “V” đã được thiết lập và vực dậy nền kinh tế từ “vạch âm” để đạt được mức tăng trưởng 6 – 6,5% trong năm 2022 và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch, theo ông Phan Văn Mãi là “thách thức bao trùm” đối với kinh tế thành phố, nhất là khi hàng loạt các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, không dễ gì khôi phục trong thời gian ngắn.

Hiện, ba công cụ chính đang được TP.HCM triển khai để vực dậy nền kinh tế, gồm: Tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh và hiệu quả các nguồn vốn; tăng mức đầu tư công như “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân, kích thích tổng cầu và tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh…

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế TPHCM, những công cụ này chỉ phát huy tác dụng khi có được một cơ chế, chính sách phù hợp. Nói cách khác, chính sách là yếu tố then chốt để phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.

Nhìn từ thực tế, hàng loạt các doanh nghiệp “đại bàng” của TP.HCM phải tìm nơi “làm tổ” tại các tỉnh thành khác khi các cơ chế, chính sách về hoạt động đầu tư tại TP.HCM “án binh bất động”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân không khỏi lo lắng và trăn trở về các giải pháp làm sao để thành phố có được cơ chế, chính sách giữ chân và thu hút thêm được các «đại bàng”, làm cho họ tin tưởng đầu tư vào thành phố thay vì các thị trường khác. “Để làm được, chúng ta phải có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút họ”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Hiện nay nguồn lực đầu tư cho phát triển đang là thách thức lớn cho kinh tế thành phố. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM dẫn số liệu cho hay: Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, TP.HCM ước lượng cần khoảng 800.000 tỷ đồng nhưng thành phố chỉ có 142.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách Trung ương giao, thành phố cố gắng huy động tối đa cũng chỉ được 260.000 tỷ đồng, thêm nguồn lực bên ngoài có thể lên đến 350.000 tỉ đồng.

“Nguồn lực dành cho đầu tư rất lớn nhưng nguồn lực chi cho đầu tư khiêm tốn nên cần có sự tháo gỡ cơ chế chính sách”, ông Tuấn nhận định và cho biết: Các bộ ngành, Trung ương vừa qua có phân cấp cho thành phố một số đặc thù như Nghị quyết 54, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố từ 18% lên 21% trong 2022… nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của thành phố về đầu tư hạ tầng, y tế cơ sở, chăm lo cho người lao động để phục hồi kinh tế hiệu quả hơn…

Giải bài toán "hồi sức" cho doanh nghiệp

Hạt nhân của nền kinh tế chính là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái “thở oxy”, bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hút nguồn nhân lực, kiệt quệ về tài chính và dòng tiền. Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang từng bước được khôi phục, hoạt động trở lại nhưng vẫn trong tình trạng “phập phù” do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp liên tục là F0, F1

Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cần phải ưu tiên hỗ trợ dòng tiền vào cho doanh nghiệp, càng chậm thì thiệt hại càng lớn, thậm chí không thua kém so với tác hại của COVID-19. Cũng theo ông Hoàng Công Gia Khánh, trong đợt dịch giữa năm 2021, nhiều lao động đã bỏ về quê và hiện vẫn chưa quay trở lại gây nên tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp. Do vậy, cần phải có các gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp thu hút lao động trở lại.

Nhìn nhận ở góc độ khác, TS.Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến - bày to lo lắng khi việc ban hành và thực thi chính sách của TP.HCM hiện nay rất chậm chạp. Điểm nghẽn chính sách khiến cho nhiều dự án đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp gần như không “nhúc nhích” được gì.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty VLXD Secoin, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu TP.HCM cho rằng: Các gói hỗ trợ là cần thiết nhưng không phải là vấn đề then chốt để “hồi sức” cho doanh nghiệp. “Vitamin” mà doanh cần chính là môi trường kinh doanh minh bạch, kinh tế vĩ mô ổn định…

Theo ông Kỳ, mặc dù là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước nhưng trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông của TP.HCM phát triển rất chậm, điển hình như đường vành đai 2 đến giờ vẫn chưa “khép”, vành đai 3 còn dở dang... đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, người dân. Ông mong muốn, chính quyền thành phố cần tích cực cùng với Trung ương gỡ nút thắt về cơ chế, thúc đẩy đầu tư công để cải thiện cơ sở hạ tầng cho thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách Công - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cũng nhấn mạnh: Việt Nam còn nhiều dư địa về chính sách và cần áp dụng để tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu chi phí logistics cao, vì vậy cần phải có chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp xuất khẩu bù được chi phí logistics.

Hoặc như vấn đề ách tắc cảng biển còn phức tạp nhưng nếu có chính sách giúp thông thoáng các cảng, đủ lao động và kết nối hợp tác, Việt Nam sẽ lấy lại được lợi thế cạnh tranh và các đơn hàng sẽ quay về. Như vậy, để giải được bài toán hồi sức cho doanh nghiệp, thực hiện chiến lược phục hồi kinh tế hình chữ V đầy thách thức của đầu tàu kinh tế cả nước, các doanh nghiệp rất cần chính quyền thành phố cùng với Trung ương giải quyết những “điểm nghẽn”, tạo không gian mở và thông thoáng để phát triển.

Xem thêm

TP. HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4

TP. HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4

Sau hai lần lùi kế hoạch, TP HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ 0h ngày 1/4, mức thấp nhất 15.000 đồng mỗi tấn, cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…