Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 TP. HCM ngày 15/1 vừa qua.
Theo đó, Thủ tướng kết luận hai tuyến này vai trò quan trọng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam song dự án đi qua đô thị, tổng mức đầu tư rất lớn nên đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khó khả thi, nhất là Vành đai 3.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TP. HCM và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng thống nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Đối với Vành đai 4 tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021.
Thủ tướng giao UBND TP. HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư Dự án Vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động …, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
UBND TP. HCM khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án vào đầu tháng 02/2022, sao cho bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.
Để sớm thống nhất phương án đầu tư các dự án, Thủ tướng giao UBND TP. HCM thành lập ngay Tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM.
Thành phần Tổ công tác gồm: Chủ tịch UBND TP. HCM là Tổ trưởng Tổ công tác; Dự kiến Lãnh đạo của các Bộ, ngành: đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trường Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Tư pháp; đồng chí Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dự kiến Chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan.
Nhiệm vụ của Tổ công tác:
Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm 2022;
Rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 01 km đường của Dự án cao; rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả.
Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05/02/2022.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác và công tác triển khai các Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Liên quan Vành đai 3, UBND TP vừa cập nhật về kết quả rà soát hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo đó, toàn tuyến dài gần 92 km, chạy qua TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc cùng đường song hành hai bên.
Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài hơn 76 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại trong giai đoạn một sẽ làm 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên. Trong đó bao gồm cả dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài khoảng 8 km đang đầu tư sẽ được bổ sung các hạng mục để đảm bảo đồng bộ với toàn tuyến.
Hiện, tổng mức đầu tư giai đoạn một Vành đai 3 sau khi rà soát ước tính hơn 85.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 44.400 tỷ đồng, gần 32.000 tỷ đồng là phần xây lắp và thiết bị; phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...