TP.HCM: Doanh thu chương trình bình ổn thị trường đạt gần 1 tỷ USD

Từ 2 doanh nghiệp tham gia chương trình đầu tiên vào năm 2022, đến nay, sau 20 năm đã có 69 doanh nghiệp tham gia với doanh thu hàng hóa thuộc chương trình bình ổn thị trường đạt gần 1 tỷ USD.
Bình ổn thị trường
Chương trình Bình ổn thị trường của TP.HCM có 69 doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt gần 1 tỷ USD

Sáng 29/12, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022 và định hướng giai đoạn 2022-2032.

Đây là chương trình được UBND TP.HCM triển khai lần đầu năm 2002 với mục tiêu là bình ổn giá cả mùa Tết Nhâm Ngọ 2002. Đến nay, sau 20 năm phát triển, chương trình bình ổn thị trường đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung - cầu hàng hóa, giảm các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông…

Từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 45 tỷ đồng, doanh thu đạt 344 tỷ đồng năm 2002, đến năm 2013, TP.TP.HCM đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu của chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.

Ngoài ra, từ 2 doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tiên thì đến nay đã có 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng tham gia, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như: VISSAN, Ba Huân, Vinh Phát, Tấn Vương, Colusa-Miliket, Bình Tây, Liên Thành, Cholimex, Vinamlik, MR.Vui, Miti...

Phần lớn hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM đều đã tham gia chương trình như Saigon Coop, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Cental Retail, SATRA, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…

TP.HCM đã xây dựng được 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó có 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

TP.HCM: Doanh thu chương trình bình ổn thị trường đạt gần 1 tỷ USD
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đánh giá về chương trình bình ổn thị trường, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh 4 thành công nổi bật:

Thứ nhất, chương trình là một cách tiếp cận đúng đắn, có tính hiệu quả của lãnh đạo thành phố các thời kỳ. Quá trình triển khai chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng thành phố.

Thứ hai, chương trình đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phát sinh. Qua 20 năm triển khai, chương trình đã góp phần vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố được ổn định và luôn thấp hơn CPI cả nước. 

Thứ ba, quá trình triển khai chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là "bình ổn giá" đến "bình ổn thị trường" là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo, góp phần tạo ra những giá trị lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp thành phố cùng hưởng ứng, tham gia với số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều qua mỗi năm.

Thứ tư, chương trình đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm.

Chặng đường tiếp theo, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, cùng thành phố kiên trì giá trị cốt lõi bền vững của chương trình. Theo đó, tham gia chương trình không chỉ là cộng đồng trách nhiệm với xã hội mà còn tạo ra cho chính mình cơ hội để đưa sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương hiệu cho chính doanh nghiệp của mình.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thời gian tới phải tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa.

"Sở Công Thương cần có những giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang giá trị thương hiệu đặc trưng của chương trình bình ổn thị trường, đó chính là Giá cả hợp lý - Chất lượng nâng cao" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

TP.HCM: Doanh thu chương trình bình ổn thị trường đạt gần 1 tỷ USD
Bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, người vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương

Bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, người vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá cao chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014… Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Bà Thắng đề nghị, trong ngắn hạn các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng doanh nghiệp.

Trong dài hạn, cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể. Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ…

“Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của Chương trình bình ổn thị trường là phát triển hệ thống phân phối, phủ rộng mạng lưới điểm bán hàng, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, giảm tối đa chi phí trung gian từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm