TP.HCM dự kiến chi 245.000 tỷ cho 33 công trình giao thông trọng điểm

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã trình UBND thành phố ban hành danh mục dự án, công trình giao thông trọng điểm năm 2023 như các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ kết nối liên vùng...
TP.HCM dự kiến chi 245.000 tỷ cho 33 công trình giao thông trọng điểm trong năm 2023

Danh mục gồm 33 dự án công trình giao thông trọng điểm được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất có 4 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và ngân sách Trung ương; 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và ODA; 1 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP và PPP; 17 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách TP; 9 dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn PPP.

Trong 33 dự án trọng điểm, có 13 dự án thuộc nhóm chuẩn bị đầu tư và 20 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư. Các dự án chuẩn bị đầu tư đáng lưu ý là cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đoạn 1 và 2 đường vành đai 2, tuyến đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ...

Đặc biệt, TP sẽ xây dựng đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - vành đai 3từ nguồn thu phí cảng biển, với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuyến đường dài 6,6km gồm 12 làn xe, đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến thông qua báo cáo tiền khả thi trong năm nay và khởi công năm 2024.

Việc quá tải ở các tuyến đường nối cảng biển của TP.HCM đã diễn ra từ lâu. UBND TP.HCM cũng đã có nhiều dự án để giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu như dự án âng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m cho 4 làn ôtô và 2 làn xe máy với tổng mức đầu tư 832,2 tỷ đồng, nâng cấp đoạn đường Lương Định Của; mở rộng đường Đồng Văn Cống… Tuy nhiên, đến nay các dự án này vẫn đang bị chậm trễ do thiếu nguồn lực triển khai.

Còn các dự án đã phê duyệt đầu tư đang được người dân quan tâm có thể kể đến như metro số 1, metro số 2, nút giao An Phú, đoạn 3 đường vành đai 2, dự án thành phần 1 và 2 đường vành đai 3, xây dựng mở rộng quốc lộ 50, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, cầu Long Kiểng, cầu Phước Long, cầu Ông Nhiêu...

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư gồm: Các dự án có quy mô lớn, phức tạp, có ý nghĩa lớn về giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời, các dự án kết nối liên vùng, khu vực sân bay, cảng biển.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND thành phố giao nhiệm vụ các sở ngành và đơn vị liên quan phối hợp thực hiện giao các chủ đầu tư dự án xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện từng dự án. Từ đó, các quận huyện theo dõi, phối hợp thực hiện. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận huyện triển khai thực hiện dự án và chịu trách nhiệm chính về tiến độ dự án.

Các đơn vị liên quan cần định kỳ hằng tháng, quý, năm báo cáo UBND thành phố về tình hình, kết quả thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, báo cáo đầy đủ, kịp thời những khó khăn, vướng mắc để UBND thành phố xem xét chỉ đạo các Sở ngành phối hợp giải quyết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...