TP.HCM: Kiến nghị thành lập Sở An toàn Thực phẩm

Sau 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM được đánh giá là “cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra” và kiến nghị thí điểm thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM.
Đã có 7.225 cơ sở bị xử phạt về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỉ đồng
Đã có 7.225 cơ sở bị xử phạt về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỉ đồng

UBND TP.HCM vừa tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết: Nhiệm vụ xuyên suốt của ban từ ngày thành lập là xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, tăng cường thông tin truyền thông và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Theo đó, về hoạt động xây dựng thực phẩm sạch, từ 97 chuỗi thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn cao hơn quy định chung hiện hành như: Sản phẩm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap, hữu cơ…), đến nay đã phát triển lên 279 chuỗi.

Những sản phẩm sạch này đã được kết nối vào bếp ăn trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị và khi những đơn vị này nâng tiêu chuẩn nhập hàng cũng tạo áp lực ngược lên nhà cung cấp phải nâng tiêu chuẩn sản xuất.

Hoạt động giám sát, thanh kiểm tra đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 6 năm nay, ban đã kiểm tra gần 328.000 cơ sở, phát hiện vi phạm với tỉ lệ 11,3%; đã xử phạt 7.225 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỉ đồng, trung bình phạt gần 21,2 triệu đồng/vụ.

Đáng chú ý là số vụ ngộ độc phát hiện ít hơn, cho thấy hoạt động giám sát, thanh kiểm tra đã phát huy tác dụng, giúp các cơ sở nâng cao trách nhiệm về ATTP.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Lan, ban hiện đang hoạt động như một sở nhưng bị vướng về mặt pháp lý. Các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể dẫn tới nhiều lúng túng trong thực tế.

Ví dụ như ban chỉ được thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra sở... Do đó, ban đề xuất cần có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở ATTP.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Sau 6 năm thí điểm, TP.HCM đã thấy những điểm sáng trong việc thành lập Ban Quản lý ATTP như việc quản lý tập trung hơn, không phát sinh thêm biên chế, thậm chí lượng công chức, viên chức còn giảm đều qua các năm từ 488 người xuống 381 người cho thấy công tác quản lý hiệu quả hơn. Các vụ việc vi phạm ATTP giảm, kể cả số lượng lẫn quy mô.

“Đây là minh chứng cho thấy mô hình này về cơ bản đã đạt được những mục tiêu ban đầu đặt ra. TP.HCM đã qua 2 chu kỳ thí điểm (mỗi lần 3 năm) nên mong muốn nhất của thành phố là được sự chấp thuận của Chính phủ để chính thức hóa bằng việc thành lập Sở ATTP TP.HCM trên cơ sở Ban Quản lý ATTP TP.HCM hiện nay để việc quản lý ATTP trên địa bàn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Ông đề nghị Ban Quản lý ATTP TP.HCM hoàn thiện đề án thành lập sở trên cơ sở lắng nghe đầy đủ ý kiến bộ, ngành trung ương, chuyên gia, người dân để thuyết phục được các cơ quan hữu quan.

Theo Quyết định 446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM được kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP TP.HCM thêm 3 năm, kể từ ngày 1/4/2020 tới trước ngày 1/4/2023.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm