Trái mùa, trái cây Việt Nam lép vế trên sân nhà dịp Tết Nguyên đán 2024

Thời điểm cuối năm, trái cây Việt Nam đang trái mùa nên số lượng tại các cửa hàng, siêu thị xuất hiện ít hơn so với trái cây nhập khẩu. Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán sắp tới, thị trường trái cây ngoại cao cấp càng sôi động hơn khi nhiều người chọn làm quà biếu…

trai-cay-9369.jpg
Trái cây Việt Nam lép vế trên sân nhà dịp Tết Nguyên đán

Hiện tại, trái cây nội địa không phải trong mùa vụ thu hoạch. Điều này giúp trái cây nhập ngoại có phần chiếm ưu thế hơn trên thị trường so với trái cây Việt Nam. Trái cây nhập khẩu có nhiều chủng loại, mẫu mã bắt mắt, mức giá đa dạng đã thu hút được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp lễ Tết rất thích hợp mua làm quà biếu.

TRÁI CÂY NHẬP KHẨU CHIẾM ƯU THẾ DỊP CUỐI NĂM

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 229,37 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu tháng 1/2024 nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã xấp xỉ con số của cả tháng 1/2023 (tháng 1/2023 đạt 240,47 triệu USD).

Tuy nhiên, hiện nay, khi đi dạo tại các cửa hàng, siêu thị, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp trái cây nhập khẩu với số lượng khá nhiều và đa dạng chủng loại.

Khảo sát tại siêu thị khu vực Long Biên, trái cây trong nước được bày bán chủ yếu tại 1 – 2 kệ phía rìa. Trong khi đó, trái cây nhập khẩu được bày bán tại khu vực kệ to, vị trí dễ thấy nhất. Trên các kệ to này cũng có trái cây của Việt Nam nhưng số lượng cực kỳ ít.

So sánh giữa 2 loại, ta có thể thấy số lượng trái cây nhập khẩu đang áp đảo trái cây Việt Nam tại các cửa hàng, siêu thị.

5d7408a81a29b077e938-2414.jpg
Hoa quả nhập khẩu được bày bán tại kệ to trong siêu thị

Về giá cả, trái cây Việt Nam có giá chủ yếu dao động trong khoảng 25.000 – 600.000 đồng/kg. Nhằm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các cửa hàng và siêu thị cũng bày bán hoa quả khắc chữ. Giá của các loại quả khắc chữ cũng không quá đắt, khoảng vài chục nghìn đến 200.000 đồng/quả.

Với trái cây nhập khẩu, mức giá cũng rất đa dạng, có bình dân, có cao cấp. Theo khảo sát, hoa quả nhập khẩu có giá dao động trong khoảng 50.000 – 1,2 triệu đồng. Chủng loại rất đa dạng như táo, nho, dâu tây, cherry, kiwi.

Trong đó, táo là mặt hàng được bày bán nhiều nhất, chia theo nguồn gốc các nước và cỡ quả. Về mức giá, táo Nhật Bản có mức giá nhỉnh hơn so với các loại khác. Loại táo đắt nhất là táo Sekaiichi Nhật cỡ 8 – 12 có giá 689.000 đồng/kg. Một số loại táo Nhật khác như táo Fuji, táo Kinsei, táo Jonagold có giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua giỏ hoặc hộp trái cây làm quà biếu, tri ân. Thay vì biếu tặng bánh kẹo, rượu, mứt hay các món quà khác, lựa chọn trái cây xuất phát từ việc mọi người ngày càng có ý thức chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ.

Do đó, các siêu thị cũng bày bán hộp quả trái cây nhập bán dịp Tết. Mỗi hộp sẽ có 6 quả trở lên, táo và cam là hai loại quả được đóng nhiều nhất trong các hộp quả này. Giá mỗi hộp trong khoảng 170.000 – 400.000 đồng/hộp.

Ở phân khúc cao cấp hơn, người tiêu dùng nếu có nhu cầu thì có thể tìm đến các cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu. Giá giỏ trái cây tại các cửa hàng này đa dạng và nhỉnh hơn bên ngoài.

Mức giá thường từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, đáp ứng nhu cầu tặng quà cá nhân hay cơ quan, tổ chức. Bên cạnh những loại trái cây có mức giá tiền triệu cũng có những sản phẩm phù hợp đối với đông đảo các bạn trẻ, với mức giá từ 500.000 – 600.000 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

TRÁI CÂY NỘI ĐỊA LÉP VẾ DO TRÁI MÙA

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thương Gia, ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng giám đốc Klever Fruit cho biết, nguyên nhân khiến hoa quả nhập khẩu xuất hiện vào dịp cuối năm nhiều hơn là do trong nước đang trái mùa vụ nên không có nhiều sản lượng và chủng loại hoa quả.

Việt Nam có rất nhiều loại trái cây có thể cung cấp quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8 chính là mùa vụ mạnh nhất của trái cây Việt Nam.

Trong khi đó, tại các nước như New Zealand, Australia… hiện đang là mùa hè, trái cây trong mùa thu hoạch nên được ưu ái nhập khẩu về khá nhiều. Trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng có thể bắt gặp những loại quả như cherry New Zealand hay nho Australia khi dạo các cửa hàng, siêu thị.

Dòng sản phẩm cherry New Zealand năm nào cũng là 1 trong những sản phẩm được khách hàng Việt Nam ưa chuộng. Cherry là loại quả có hình thức mẫu mã đẹp, giòn, ngon, có độ cân bằng giữa đường và axit.

Đặc biệt, cherry New Zealand được để trên cây đến 65 ngày kể từ khi thụ phấn, là loại cherry để trên cây lâu nhất so với các loại cherry khác (khoảng từ 40 - 45 ngày). Do đó, đây là 1 trong những sản phẩm được chú trọng nhập về với số lượng khá lớn.

cherry-3981.jpg
Cherry New Zealand được chú trọng nhập về với số lượng khá lớn

Không chỉ nhập khẩu từ các thị trường có thế mạnh về nông sản trong mùa này như Australia và New Zealand , Việt Nam còn nhập khá nhiều trái cây từ Nhật Bản (táo, quýt, lê), Hàn Quốc (nho shine muscat, dâu tây, lê)…

Tuy nhiên, trong thời điểm này, trái cây của Nhật Bản, Hàn Quốc là hàng lưu kho nên số lượng còn ít. Trên thị trường trái cây thế giới, các sản phẩm của Nhật Bản đều nổi tiếng mang tính chất, giá trị và hoàn thiện nhất. Trái cây Nhật Bản luôn có mức giá cao vì sản lượng thu hoạch rất ít.

Ở Nhật Bản, cứ 10 trái thì người nông dân sẽ loại bỏ 6 – 7 trái. Đôi lúc là 8 trái, chỉ để lại 2 trái để nuôi sao cho kích cỡ quả, sự hoàn hảo hoặc dưỡng chất tập trung vào quả còn lại trên cây.

Bên cạnh đó, do đợt nóng bất thường của mùa hè trong năm 2023, sản lượng thu hoạch của một số loại quả như táo vùng Aomori hay lê vùng Oita của Nhật Bản khá ít, giảm khoảng hơn 40% so với năm 2022.

“Chúng tôi cũng phải nói thật là với số lượng trái cây có sản lượng ít thì chỉ hy vọng phục vụ đủ đợt Tết Nguyên đán này, sau Tết có thể còn thiếu. Các sản phẩm trái cây tươi là sản phẩm đặc thù, phụ thuộc rất nhiều vào người mẹ thiên nhiên nên chúng ta cũng không thể làm gì khác được”, Tổng Giám đốc Klever Fruit chia sẻ.

Xem thêm

Với sự tăng trưởng nhảy vọt, sầu riêng Việt Nam đang dần khẳng định vị thế tại Trung Quốc

Sầu riêng Việt thần tốc “đánh chiếm” thị trường tỷ dân Trung Quốc

Năm 2023 là năm đáng nhớ đối với xuất khẩu sầu riêng. Với giá trị xuất khẩu lên tới gần 2,2 tỷ USD, sầu riêng Việt Nam đã vươn lên thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1. Tính đến hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất với mức thu mua lên tới 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam…

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...