Bên cạnh đó, còn có 6.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, có 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.095 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.422 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
11 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132.300 doanh nghiệp, tăng 24,3%. Như vậy, bình quân một tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế thế giới đã và đang có nhiều biến động phức tạp (giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột Nga – Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh...), tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Điều này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh... Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.