Trong 3 quý đầu năm 2022, hầu hết các công ty trong ngành chăn nuôi đều ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều với biên lợi nhuận bị siết chặt do chi phí tăng.
Cụ thể, DBC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam) công bố tăng trưởng doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh cốt lõi (không bao gồm bất động sản) là 13% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng giảm 68% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp giảm 800 điểm cơ bản, chủ yếu là do chi phí chăn nuôi tăng khi chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao.
BAF (Công ty Cổ phần nông nghiệp ABF Việt Nam) công bố doanh thu thuần giảm 46%, nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng 17% so với cùng kỳ. BAF ghi nhận doanh thu mảng chăn nuôi tăng gấp đôi trong 3 quý đầu năm 2022 (từ mức nền so sánh thấp). BAF đã trải qua quá trình chuyển đổi từ kinh doanh nguyên liệu thô sang tự trồng trọt, giúp lợi nhuận ròng tăng lên.
Tương tự, so với mức cơ sở thấp, HAG có doanh thu từ mảng chăn nuôi tăng 125% so với cùng kỳ, trong khi biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi giảm 720 điểm cơ bản.
Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng chăn nuôi lợn hơi tăng 12,4% so với cùng kỳ (quý 1 tăng 4,3% so với cùng kỳ, quý 2 tăng 7% so với cùng kỳ và quý 3 tăng 7% so với cùng kỳ).
Mặc dù đợt bùng phát dịch bệnh ASF chưa được kiểm soát hoàn toàn giữa các trang trại hộ gia đình, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến tổng nguồn cung thịt lợn vì dịch bệnh lần này không quá nghiêm trọng như trước đây, và việc triển khai tiêm phòng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.
Nguồn cung tăng nhưng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại trong thời gian tới đồng nghĩa với việc lượng cầu cũng sẽ gia tăng.
Dữ liệu từ OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch, cụ thể giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc trong năm 2023, con số này sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.
Với sản lượng chăn nuôi tăng mạnh (tăng 12,4% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022), nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt trong năm 2023, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt. SSI dự báo giá lợn hơi sẽ tăng không đột biến, đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ).
Về mặt chi phí, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý 2 năm 2023, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm. Cùng với đó các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2023.
Về triển vọng ngành chăn nuôi Việt Nam trong năm 2023, SSI nhận định, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cần theo dõi trong lĩnh vực này, vì hoạt động thương mại qua biên giới sẽ hỗ trợ giá lợn hơi vào năm 2023. Việc xuất khẩu lợn hơi chính thức sang Trung Quốc cũng có thể là yếu tố xúc tác.
Theo SSI giá cổ phiếu DBC mục tiêu 1 năm là 17.700 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 19%) dựa trên P/E mục tiêu trung bình lịch sử là 9x, tính theo EPS năm 2023. Ở mức giá hiện tại 14.900 đồng/cổ phiếu, DBC đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 12,1x và 8,2x.
Năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của công ty lần lượt đạt 12 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và 324 tỷ đồng (giảm 61% so với cùng kỳ) do năm 2020 và 2021 ghi nhận mức nền so sánh cao. Điều này có nghĩa là lợi nhuận trong quý 4 năm 2022 ước tính giảm 15% so với cùng kỳ.
Nếu không tính lợi nhuận từ mảng kinh doanh bất động sản ghi nhận trong quý 4/2021, thì lợi nhuận cốt lõi của DRC sẽ cải thiện 5% so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2022.
Trong năm 2023, dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 12,8 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và 500 tỷ đồng (tăng 47% so với cùng kỳ).