Kết thúc phiên 22/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 18,38 điểm (-0,05%) xuống 37.385,97 điểm, S&P 500 tăng 7,88 điểm (+0,17%) lên 4.754,63 điểm và Nasdaq Composite thêm 29,11 điểm (+0,19%) thành 14.992,97 điểm.
Cả ba chỉ số đều có hoạt động giao dịch nhẹ nhàng vào buổi chiều sau đợt phục hồi từ đầu phiên khi dữ liệu mới cho thấy lạm phát đang giảm dần gần với mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, hàng tiêu dùng không thiết yếu là ngành duy nhất giảm điểm, trong khi hàng tiêu dùng thiết yếu lại có tỷ lệ tăng lớn nhất.
Karuna Therapeutics bật tăng 47,7% sau khi Bristol Myers Squib đồng ý mua lại nhà sản xuất thuốc với giá 14 tỷ USD tiền mặt.
Ngược lại, Nike trượt 11,8% do cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm vì chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu. Cổ phiếu của các công ty cùng ngành là Foot Locker và Dick's Sporting Goods cũng lần lượt giảm 2,7% và 3,9%.
Cổ phiếu Tesla giảm nhẹ do nhà sản xuất xe điện chuẩn bị triệu hồi hơn 120.000 xe Model S và Model X ở Mỹ do nguy cơ cửa cabin bị mở khóa khi xảy ra va chạm, cơ quan quản lý an toàn đường bộ của nước này cho biết.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,63 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,52 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ tám liên tiếp, chuỗi tăng điểm theo tuần dài nhất đối với S&P 500 kể từ cuối năm 2017.
Đối với Nasdaq và Dow Jones, đây là chuỗi tăng hàng tuần liên tiếp dài nhất kể từ đầu năm 2019.
S&P 500 hiện chỉ cách khoảng 1% so với mức đóng cửa kỷ lục vào tháng 1/2022.
Đồng loạt dữ liệu được công bố vào ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Giáng sinh, đáng chú ý nhất là báo cáo Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ, cho thấy lạm phát tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu trung bình hàng năm 2% của Fed.
Một báo cáo riêng chỉ ra rằng các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa vốn cốt lõi (core capital goods) đã vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích, một điều bất ngờ mang lại tín hiệu tốt cho kế hoạch chi tiêu của các doanh nghiệp Mỹ
Nhìn chung, họ được củng cố niềm tin rằng ngân hàng trung ương sẽ không chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2024, mà còn có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái - đúng với định nghĩa về một “cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”.
“Báo cáo PCE rất ôn hòa. Con số tổng thể cho thấy tình trạng giảm phát trong tháng. Nó rất tích cực và có lẽ là một bước hướng tới việc giảm lãi suất”, ông Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao Ingalls & Snyder nhận xét.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang định giá 74,1% khả năng Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2024.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đảo chiều đi xuống trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 32 cent, tương đương 0,4%, xuống mức 79,07 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ giảm 33 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 73,56 USD.
Trong tuần, cả 2 chỉ số chuẩn đều tăng khoảng 3%, cao hơn so với mức chưa đến 1% của tuần trước.
Tại Trung Đông, nhiều hãng vận tải hàng hải cho biết họ đang phải tránh khu vực Biển Đỏ do các cuộc tấn công. Các chủ hàng lớn như Maersk và CMA CGM tiết lộ rằng họ sẽ áp dụng các khoản phí bổ sung liên quan đến việc định tuyến lại tàu.
Các cuộc tấn công đã gây ra sự gián đoạn thông qua Kênh đào Suez, nơi xử lý khoảng 12% thương mại thế giới.
Nhà phân tích John Evans của PVM cho biết: “Việc tạm dừng nguồn cung trực tiếp không phải là lý do duy nhất khiến giá dầu bị ảnh hưởng bởi tình hình Biển Đỏ; giá cước vận tải và chi phí bảo hiểm cũng đang tăng lên”.
Trong khi đó, ở châu Phi, quyết định rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của Angola có thể mở đường cho Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào dầu mỏ và các lĩnh vực khác của nước này. Hiện tại, Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày.