TS.Trương Văn Phước: Việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại giá 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt...
TS.Trương Văn Phước: Việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm

Trong nghiên cứu về vai trò của hệ thống tài chính Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định Nghị Quyết số 142/2016/QH13 của Quốc Hội khóa XIII đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho giai đoạn 2016-2020 đạt mức từ 6,5%-7%. Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, bối cảnh trong nước còn khó khăn, kết quả của 2 năm xuất phát điểm 2016 và nửa đầu 2017 chưa đạt như mong đợi. Do đó, nhiệm vụ càng đè nặng lên các năm 2018-2020, đòi hỏi tăng trưởng càng phải cao hơn song cần phải bền vững.

Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam lại càng phải tăng tốc để có thể bắt kịp và tận dụng đòn bẩy công nghệ vô cùng lớn lao này.

Để đạt được mục tiêu trên, các điều kiện vĩ mô tiên quyết đó là : Đổi mới thành công mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất lao động nền kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng trong các năm tiếp theo;

Đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao, cần tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố tài khóa, xử lý dứt điểm những yếu tố đe dọa bất ổn vĩ mô như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém.

Cuối cùng là, hệ thống tài chính với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn này. Theo đó, việc cấu trúc lại một thị trường tài chính hiện đại và hài hòa giữa thị trường tài tiền tệ và thị trường vốn càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đạt được những điều này, kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và sẵn sàng tiến ra biển lớn Châu Á.

Cụ thể đối với hệ thống ngân hàng, TS. Trương Văn Phước đánh giá việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại giá 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.

Đây có thể xem là “điểm nghẽn” của hệ thống tài chính – huyết mạch của nền kinh tế; nếu không xử lý triệt để thì sẽ không thể giảm được mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn của nền kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô bền vững.

Kể từ năm 2012 đến hết 2015, toàn hệ thống TCTD mới xử lý xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, các TCTD tự xử lý chiếm phần nhiều (trên 55%), còn lại là bán nợ cho VAMC và các tổ chức cá nhân khác. Nợ xấu còn tồn đọng tại VAMC chưa xử lý khoảng 180 nghìn tỷ đồng.

Bàn về giải pháp cấu trúc lại thị trường tài chính hiện đại, hài hòa hơn, TS. Trương Văn Phước cho rằng đối với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt hơn nữa, mở rộng cung tiền một cách hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng. Tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng. Từ đó, tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực và giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực hiệu quả, năng suất, công nghệ cao – động lực chính của tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Đối với thị trường vốn, phát triển thị trường vốn để tăng cường cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cung ứng vốn và rủi ro kỳ hạn cho hệ thống tổ chức tín dụng: (i) duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; tích cực đáp ứng các tiêu chí xếp hạng TTCK của MSCI để sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi,đặc biệt các tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường tự do hóa tài khoản vốn; (ii) Nhanh chóng tăng quy mô và thanh khoản thị trường vốn, đạt mục tiêu vốn hóa thị trường 70% GDP vào năm 2020. Đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức (quỹ hưu trí bắt buộc, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ mạo hiểm, quỹ vốn cổ phần tư nhân, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ).

Ba là, hướng tới xây dựng một nền tài chính hiện đại, triển khai áp dụng các công cụ tài chính hiện đại; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới như: các sản phẩm phái sinh: hợp đồng tương lai/quyền chọn đối với các chỉ số, cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác; cổ phiếu không có quyền biểu quyết; trái phiếu Chính phủ lãi suất thả nổi gắn với lạm phát.

Theo Trí thức trẻ 

>> Him Lam đã thoái hết 15% vốn khỏi LienvietPostBank

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...