Theo đánh giá của tỉnh Ninh Bình, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình được xây dựng và đi vào vận hành tổ máy số đầu tiên từ năm 1974 (đã hoạt động 48 năm) công nghệ cũ, lạc hậu, công suất nhỏ, hoạt động của Cảng và các đường dây xuất tuyến ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch đô thị Ninh Bình...
Khi dừng hoạt động nhà máy, Ninh Bình và cả Tập đoàn EVN muốn tập trung phát triển điện khí LNG để thay thế nguồn cung từ nhà máy này. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc nói chung, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận nói riêng.
Nhà máy có sản lượng bình quân 600 triệu kWh/năm nên khi dừng vận hành cần phải được xem xét kỹ để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong các năm tới (do nhu cầu phụ tải phát triển mạnh trong khi quy mô nguồn bổ sung mới rất ít), theo lãnh đạo EVN cho biết.
Trong những năm gần đây, để đảm bảo các yêu cầu về môi trường, nâng cao hiệu suất và độ tin cậy trong vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã liên tục được đầu tư, cải tạo và nâng cấp thiết bị với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Nhà máy hiện đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi nhiên liệu (đốt kèm Biomass), sử dụng năng lượng sạch và bền vững.
Phía tỉnh Ninh Bình không muốn tiếp tục đầu tư cải tạo Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình mà tiến tới dừng hẳn hoạt động. Việc dừng vận hành và tiến hành xây dựng thay thế nhà máy cũng cần tính toán đến việc đảm bảo đời sống cho người lao động, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang sở hữu cổ phần của tại Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình. Vấn đề này đã được EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình nghiên cứu phát triển dự án điện khí LNG hoặc dự án năng lượng sạch tại vị trí khác trên địa bàn tỉnh để thay thế.