VDSC: Nên chú ý nhóm cổ phiếu thuỷ sản, nhiệt điện khí, công nghệ, ngân hàng khi thị trường giảm mạnh

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường chứng khoán tháng 4 đã đi ngược lại với kỳ vọng bất chấp kết quả kinh doanh quý I, thông tin từ các cuộc họp ĐHCĐ năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết cũng như số liệu vĩ mô khả quan được tung ra.
VDSC: Nên chú ý nhóm cổ phiếu thuỷ sản, nhiệt điện khí, công nghệ, ngân hàng khi thị trường giảm mạnh

Tính tới ngày 5/4, đã có 53/58 doanh nghiệp thuộc danh mục theo dõi của VDSC công bố kế hoạch tài chính cho năm 2022 với tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) mục tiêu tăng trưởng 14% so với mức tăng trưởng dự phóng là 22% (tốc độ tăng trưởng LNST dự phóng của toàn bộ danh mục cổ phiếu là 24% cho năm 2022).

Xét theo ngành, nhìn chung mức tăng trưởng của LNST của các nhóm ngành đều thấp hơn so với dự phóng của nhóm phân tích. Ngoài ra, hầu hết các ngành đều đặt mức tăng trưởng hai chữ số trước kỳ vọng sự hồi phục kinh tế trong năm 2022 khi biến số về dịch bệnh được giải quyết và, dẫn đến, môi trường kinh doanh ổn định hơn.

Tuy nhiên, một số ngành như dịch vụ tiện ích (+4%), nguyên vật liệu cơ bản (-28%) và tiêu dùng thiết yếu (-13%) đặt mục tiêu LNST tăng trưởng chậm hơn so với trung bình hoặc âm. Do phần lớn các doanh nghiệp thuộc những ngành này chịu ảnh hưởng khá lớn bởi yếu tố giá nguyên vật liệu cơ bản (các doanh nghiệp nhiệt điện, sản xuất thép, tôn mạ, sữa và đường), điều này phần nào hàm ý về một kỳ vọng kém khả quan của ban lãnh đạo đối với chu kỳ giá của những nguyên vật liệu có liên quan mật thiết tới mô hình kinh doanh của những doanh nghiệp này.

Theo đánh giá của VDSC, những nguyên nhân cho sự sụp đổ của thị trường tháng 4 tới từ những yếu tố nội tại (tâm lý đầu tư kém tích cực khi hàng loạt các vụ bắt giữ diễn ra khi chính phủ kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính) trong bối cảnh rủi ro vĩ mô từ bên ngoài đang ngày càng leo thang.

Áp lực lên lạm phát trên thế giới trong thời gian tới vẫn còn rất lớn gắn với tình trạng giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng trên toàn cầu do gián đoạn chuỗi cung ứng (do cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài và Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách “zero covid" và giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại thành phố lớn Thượng Hải) trong khi cầu tiêu dùng đang có xu hướng hồi phục hậu giãn cách.

Điều này đã dẫn tới kỳ vọng rằng các thị trường phát triển sẽ thực hiện động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh hơn so với các dự báo trước đó (Fed đã tăng lãi suất lên thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5), làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực lên tâm lý đầu tư toàn cầu. Kết quả là, VN-Index đã sụt giảm 8,4% trong tháng 4, mức định giá P/E xuống trượt thấp nhất kể từ tháng 9/2020 ở mức 15,1x trong khi định giá P/E 2022 hiện tại chỉ là 13x.

Trong khi thị trường sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực từ những rủi ro vĩ mô từ bên ngoài nói trên trong ngắn hạn, VDSC cho rằng những yếu tố này sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay khi các số liệu vĩ mô vững chắc vẫn đang củng cố cho quá trình phục hồi của nền kinh tế và nhiều khả năng lạm phát cả năm vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đang có những động thái nới lỏng giãn cách tại Thượng Hải và quyết định tăng lãi suất của FED có thể giúp giải tỏa phần nào áp lực lên tâm lý đầu tư.

Việc theo dõi các yếu tố này cùng với những tác động của chúng lên chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng kiềm chế lạm phát trên thế giới là khá quan trọng trong thời gian sắp tới, khi nó giúp chúng ta có các đánh giá rõ ràng hơn về những triển vọng của những rủi ro mang tính hệ thống này.

Chú ý nhóm CP thuỷ sản, nhiệt điện khí, công nghệ, ngân hàng

Nếu như giai đoạn 2020-2021 thị trường tăng trên diện rộng nhờ dòng tiền “dễ dãi”, thì VDSC cho rằng trong giai đoạn sắp tới dòng tiền sẽ sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro nói chung của thị trường.

Nhóm phân tích kỳ vọng rằng đà tăng giá chỉ thực sự bền vững ở những cổ phiếu câu chuyện lợi nhuận tăng trưởng tích cực, hoặc phát hành tăng vốn,… trong những quý tới.

Mặt khác, các thống kê về kết quả kinh doanh quý I cũng cho thấy những cổ phiếu có diễn biến giá mạnh hơn trong khi thị trường chung sụt giảm mạnh trong tháng 4 đều được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận, trong đó, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, kho vận, công nghệ, bán lẻ là một số điển hình. VDSC tin rằng những xu hướng trên đây sẽ tiếp tục chi phối sự vận động của thị trường chứng khoán trong năm 2022.

Do vậy, đội ngũ phân tích tin rằng chọn lọc cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn quan trọng hơn là dự báo xu thế thị trường. Thời điểm này nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý II kỳ vọng tích cực như thủy sản (VHC, ANV), nhiệt điện khí (NT2), công nghệ (FPT), và ngân hàng (TCB, MBB, ACB, VCB, CTG).

Song song với đó, chiến lược đầu tư “ngược xu thế” dành cho những nhà đầu tư giá trị với khả năng chịu đựng rủi ro cao và khung thời gian đầu tư dài vẫn có thể áp dụng được đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành BĐS khi mặt bằng định giá của nhóm này hiện tại đã được chiết khấu khá nhiều.

Các doanh nghiệp BĐS có nhiều dự án sẵn sàng để mở bán (NLG, KDH, HDG) có thể là những sựa lựa chọn đầu tư không tồi trong giai đoạn hiện tại.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc thận trọng hơn với các cổ phiếu có liên quan tới nhóm nguyên vật liệu cơ bản đã tăng mạnh trong thời gian gần đây là điều cần thiết. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm