Tỷ giá ngoại tệ thế giới
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,74%, đạt mức 98.51.
Theo giới phân tích, các nhà đầu tư tìm đến trú ẩn an toàn vào USD khi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine tiếp diễn. Vòng đàm phán lần 2 giữa Nga và Ukraine đã không đạt được kết quả.
Bên cạnh đó, những lo ngại về thảm họa hạt nhân ở châu Âu sau vụ cháy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine khiến sự lo lắng về rủi ro vẫn ngày một tăng cao.
Xung đột Nga - Ukraine ngày càng gia tăng cũng khiến giá hàng hóa tăng vọt gây lo ngại lạm phát không chỉ tại châu Âu.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tiến triển tích cực với mức giảm khoảng 10 điểm cơ bản xuống 1,74%. Kỳ vọng của thị trường về đợt tăng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 3 đã giảm nhẹ, nhưng các nhà giao dịch vẫn đặt cược ở mức tăng 25 điểm cơ bản trong tháng này.
Valentin Marinov, người đứng đầu chiến lược G-10 FX tại Credit Agricole SA, nhận định rằng dữ liệu việc làm mới được công bố có thể sẽ làm thay đổi kế hoạch hoạch định chính sách của Fed và hiện tại “mọi con mắt vẫn đang đổ dồn vào tình hình Ukraine”.
Trong khi đó, đồng euro tiếp tục trượt dài và giảm xuống mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 5-2020 trong bối cảnh các nhà giao dịch cân nhắc tác động của các lệnh trừng phạt của Nga đối với nền kinh tế châu Âu. Kể từ khi đạt mức cao nhất 1,23 USD vào đầu năm 2021, đồng euro đã phải vật lộn với đồng đô la khi Fed chuẩn bị cho kế hoạch thắt chặt tiền tệ, dự kiến sẽ mở rộng khoảng cách lãi suất giữa Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bên cạnh đó, vấn đề địa chính trị xoay quanh Ukraine cũng đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang kênh trú ẩn an toàn hơn đó là đồng bạc xanh, trong đó nền kinh tế châu Âu phải chịu nhiều tác động từ các lệnh trừng phạt của Nga. Sự sụt giảm của tiền tệ có nguy cơ gây ra áp lực lạm phát trong khu vực, dấy lên một số suy đoán về sự can thiệp của ECB vào thị trường tiền tệ.
Tỷ giá ngoại tệ trong nước
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 4-3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng mạnh ở mức: 23.151 đồng, tăng 8 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.050 đồng.
Giá USD tại Vietcombank không đổi so với hôm qua, niêm yết ở mức 22.670 - 22.980 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh giữ nguyên so với hôm qua, niêm yết ở mức 22.700 - 22.980 VND/USD (mua vào - bán ra).
Eximbank 22.730 - 22.750 đồng/USD và bán ra 22.930 đồng/USD.
VietinBank mua vào 22.610 đồng/USD và bán ra mức 23.050 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD mua vào mức 23.430 đồng/USD và bán ra mức 23.480 đồng/USD.