Theo báo cáo của Công an TP.HCM gửi UBND thành phố, tại bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, hàng ngày có khoảng 20 đến 40 lượt xe khách ra vào bãi gồm các tuyến đi tỉnh Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Ngãi.
Theo Công an thành phố, về phương thức, thủ đoạn vi phạm của các nhà xe trá hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
Cụ thể, các nhà xe thỏa thuận với hành khách qua điện thoại về địa điểm đón khách, gom khách, thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe và hướng dẫn hành khách cách thức khai báo khi bị các lực lượng kiểm tra; không bán vé, thu tiền khi khởi hành mà thực hiện việc đó ở các địa phận khác, khi không có lực lượng chức năng; hành khách cũng nghe theo sự hướng dẫn của nhà xe. Việc này gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông khi kiểm tra phương tiện.
Liên quan đến những vấn đề tại 2 bãi xe trong nhiều năm, Công an TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố xem xét chỉ đạo UBND Q.Bình Thạnh và các sở liên quan tham mưu UBND thành phố làm rõ pháp lý quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh, hành vi vi phạm bên trong 2 bãi xe, không để tình trạng đón, trả khách không đúng quy định diễn ra trong bãi xe.
Riêng những phạm vi nằm ngoài khu vực 2 bãi xe này, trên các tuyến đường, địa bàn giao thông công cộng, Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng kiến nghị, những tồn tại các bất cập trong các điều, khoản quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành gây khó khăn cho việc vận dụng để xử phạt. Mặc dù, cơ quan này đã tiến hành các biện pháp xác minh ban đầu, tuy nhiên vẫn chưa phát hiện cá nhân, tổ chức bảo kê cho bến xe “cóc” hoạt động.
Trong đó, đối với hành vi vi phạm “Thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc)” và hành vi “Tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể việc xác định hành vi vi phạm trên, không có quy định xử phạt về kinh doanh dịch vụ “trông, giữ xe”.
Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải thành phố xem xét nội dung báo cáo của UBND Q.Bình Thạnh và Công an thành phố, căn cứ chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn số 1629/UBND-ĐT ngày 21/5/2021 và các quy định pháp luật có liên quan để chủ động phối hợp, tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn.
“Đối với những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo, tham mưu đề xuất trình UBND TP.HCM giải quyết kịp thời”, UBND thành phố chỉ đạo.