Sự thay đổi này là nhằm nâng cao tính bền vững của các thương hiệu vệ sinh và giặt giũ toàn cầu của Unilever bao gồm OMO, Sunlight, Cif và Vim.
Tham vọng mới này của Unilever là cấu phần cốt lõi của chương trình 'Tương lai xanh' của Unilever - một chương trình đổi mới mang tính đột phá, được thiết kế bởi bộ phận Chăm sóc gia đình của Công ty, nhằm thay đổi cơ bản cách thức chế tạo, sản xuất và đóng gói một số sản phẩm vệ sinh và giặt giũ nổi tiếng nhất thế giới.
Điểm độc đáo của chương trình Tương lai xanh là áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào cả việc đóng gói cũng như công thức sản phẩm ở quy mô thương hiệu toàn cầu nhằm giảm phát thải carbon của sản phẩm.
Hầu hết các sản phẩm vệ sinh và giặt giũ ngày nay đều có chứa các hóa chất được làm từ nguyên liệu hóa thạch, một nguồn carbon không thể tái tạo. Việc Unilever thay thế các hóa chất này bằng các nguồn carbon tái tạo hoặc tái chế là một sự dịch chuyển có chủ ý và xa hơn nữa là ra khỏi nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Được khởi động ở quy mô lớn, Chương trình Tương lai xanh là một bước quan trọng hướng tới cam kết của Unilever về giảm phát thải bằng 0 đối với các sản phẩm của mình vào năm 2039.
Các hóa chất được sử dụng trong các sản phẩm vệ sinh và giặt giũ của Unilever chiếm tỷ trọng vết carbon lớn nhất (46%) trong suốt vòng đời của chúng. Bởi vậy, bằng cách ngừng sử dụng các hóa chất có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch trong công thức sản phẩm, công ty sẽ mở ra những cách mới để giảm lượng khí thải carbon của một số thương hiệu vệ sinh và giặt giũ lớn nhất thế giới. Unilever kỳ vọng chỉ riêng sáng kiến này sẽ giảm tới 20% lượng khí thải cacbon trong các công thức sản phẩm
Ông Peter ter Kulve, Chủ tịch bộ phận Chăm sóc gia đình của Unilever cho biết, tương lai xanh là tầm nhìn nhằm đổi mới toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình. Là một ngành công nghiệp, chúng ta phải phá vỡ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả nguyên liệu thô trong các sản phẩm của chúng ta. Chúng ta cần ngừng bơm carbon từ dưới mặt đất lên khi mà ở trên mặt đất đã có dư thừa carbon nếu chúng ta có thể học cách tận dụng nó ở quy mô lớn.
"Chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu chưa từng có đối với các sản phẩm vệ sinh trong những tháng gần đây và chúng tôi rất tự hào với vai trò của mình đã giúp cho mọi người được an toàn trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Nhưng đó không phải là lý do để tự mãn. Chúng tôi không thể không chú ý tới những cuộc khủng hoảng môi trường mà thế giới - ngôi nhà của chúng ta - đang phải đối mặt. Nạn ô nhiễm. Sự tàn phá môi trường sống tự nhiên. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Chúng ta cùng chia sẻ một mái nhà và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ nó", ông Peter cho biết.
Unilever đề xuất hàng rào khoanh vùng trị giá 1 tỷ Euro cho chương trình Tương lai xanh, khoản tiền này sẽ cấp vốn cho việc nghiên cứu công nghệ sinh học, sử dụng CO2, hóa học carbon thấp, công thức phân hủy sinh học và tiết kiệm nước, và giảm một nửa việc sử dụng nhựa nguyên sinh trước năm 2025. Khoản đầu tư này cũng sẽ hỗ trợ phát triển truyền thông thương hiệu giúp những công nghệ này trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Khoản đầu tư cho chương trình Tương lai xanh, bổ sung mới 1 tỷ Euro cho ‘Quỹ khí hậu và tự nhiên’của Unilever, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm vệ sinh và giặt giũ có giá cả phải chăng, mang lại kết quả làm sạch vượt trội và tác động môi trường thấp hơn đáng kể.