Hiện, Châu Âu đang chịu áp lực từ các đối tác châu Phi - những nhà nhập khẩu hơn một nửa số lúa mì của họ từ Ukraine hoặc Nga trước khi xảy ra xung đột.
Theo đề xuất được đệ trình lên các quốc gia thành viên, "các cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia thành viên có thể cho phép giải phóng một số khoản tiền đang bị đóng băng hoặc các nguồn lực kinh tế thuộc các ngân hàng sau khi xác định rằng các khoản tiền này cần thiết cho việc mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển nông sản và thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón”.
7 ngân hàng của Nga gồm: Bank Rossiya, Promsvyaebank, VEB-RF, Otkritie FC Bank, Novikombank, Sovcombank và VTB Bank liên quan đến đề xuất trên.
Đề xuất đã được đệ trình lên đại sứ của các quốc gia EU tại Brussels và nếu đề xuất này được chấp nhận, một thủ tục bằng văn bản để các quốc gia thông qua sẽ được tổ chức trong ngày 20/7 và sau đó các biện pháp này sẽ được đăng trên Công báo của EU vào ngày 21/7.
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov cho biết, Kiev coi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là "cơ hội" để giải tỏa một phần bờ Biển Đen để cho phép họ xuất khẩu ngũ cốc sang các nước khác.
Tại hội thảo trực tuyến ngày 19/7 của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), ông Reznikov khẳng định “đây là cơ hội để giảm phong tỏa phần phía Tây Bắc Biển Đen và sử dụng đường bờ biển từ Ukraine qua Romania và Bulgaria đến eo biển Bosporus để vận chuyển ngũ cốc của chúng tôi đến Ai Cập hoặc các nước khác”.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực để vận chuyển ngũ cốc Ukraine tới các thị trường toàn cầu.
Tuần trước, Ankara đã tổ chức các cuộc đàm phán về ngũ cốc giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine, có sự tham gia của Liên hợp quốc. Các bên đã đồng ý thành lập một trung tâm điều phối ở Istanbul và Nga và Ukraine sẽ tiến hành vòng đàm phán về ngũ cốc mới tại Thổ Nhĩ Kỳ.