Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đã nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu theo Báo cáo số 02/2024/CV-VHM ngày 8/10/2024 của Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM).
Phương án mua lại cổ phiếu của công ty được thực hiện theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 03/2024/NQ-ĐHĐCĐ-VHM ngày 4/9/2024, Nghị quyết Hội đồng quản trị số 15/2024/NQ-HĐQT-VH ngày 5/9/2024, Quyết định Hội đồng quản trị số 04.10/2024/NQ-HĐQT-VH ngày 4/10/2024 và quy định của pháp luật hiện hành.
Đây là một bước tiến quan trọng để Vinhomes đến gần hơn với việc thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Theo kế hoạch được cổ đông thông qua, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự chi ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng .
Vinhomes nhấn mạnh rằng động thái này nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp. Theo một số đánh giá của giới phân tích, quá trình phê duyệt có thể cần thêm thời gian do giá trị giao dịch cao.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên năm 2024, Vinhomes hiện đang nắm giữ 17.200 tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn. Mirae Asset cho biết, trong cuộc trao đổi gần đây với khối IR, Vinhomes khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án. Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.
Trên thị trường, cổ phiếu VHM thời gian qua cũng đã nổi sóng cùng câu chuyện mua cổ phiếu quỹ. Từ đáy lịch sử xác nhận vào đầu tháng 8, VHM đã tăng hơn 26% thị giá lên mức 43.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của Vinhomes cũng theo đó tăng trở lại mức xấp xỉ 190.000 tỷ đồng, tức khoảng 7,7 tỷ USD.
Trong một diễn biến khác, Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) mới đây đã thông qua việc ký kết hợp đồng BCC với Vinhomes để phát triển dự án Vinhomes Global Gate (Vinhomes Cổ Loa). Theo đó, Vinhomes sẽ nhận 5% tổng lợi nhuận từ dự án cùng với phí bán hàng và quản lý (theo tỷ lệ 4% và 2% doanh thu). Việc này dẫn đến những quan ngại của nhà đầu tư khi Vinhomes chỉ nắm tỷ lệ lợi ích thiểu số tại dự án.
Theo trao đổi gần đây giữa Chứng khoán Mirae Asset với khối quan hệ nhà đầu tư (IR), Vinhomes cho biết Vingroup (VIC) sẽ chuyển nhượng cổ phần tại VEF cho Vinhomes theo giá vốn khi dự án được đưa vào triển khai.
Vinhomes ra mắt dự án Vinhomes Global Gate trong nửa cuối năm nay. Gần đây, Mirae Asset ghi nhận một số tiến triển khả quan trong việc triển khai dự án, bao gồm gửi hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 7/2024. Sau đó là khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia cuối tháng 8/2024 và tổ chức lễ giới thiệu dự án và trao quyền phân phối cho một số đơn vị môi giới bất động sản lớn vào đầu tháng 9/2024.
Ở một chiều thông tin khác, Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho biết đã phát hành 20.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng số tiền huy động 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 10/10/2026 với lãi suất cố định 13,5%/năm.
Trái phiếu do Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) lưu ký là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Đây là lô trái phiếu đầu tiên của VinFast trong năm 2024 kể từ đợt phát hành cuối cùng vào tháng 7 năm ngoái.
Tổ chức phát hành được phép mua lại trước hạn toàn bộ hoặc một phần số trái phiếu đang lưu hành vào bất kỳ ngày nào sau ngày phát hành. Người sở hữu trái phiếu có toàn quyền bán lại một phần hoặc toàn bộ số trái phiếu chào mua hoặc không bán lại cho tổ chức phát hành.
Trong khi đó, Vingroup mới đây đã thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị về việc cấp bảo lãnh thanh toán và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Vingroup để đảm bảo cho các trái phiếu do công ty con này phát hành riêng lẻ trong năm nay, với tổng mệnh giá tối đa không quá 6.500 tỷ đồng.
Trước đó, Vietcap cập nhật, tính đến ngày 30/6, VinFast vay khoảng 71.300 tỷ đồng (khoảng 2,9 tỷ USD), giảm 4% so với ngày đầu năm, bao gồm khoản vay chuyển đổi từ các bên cho vay thứ ba. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1,9 tỷ USD và nợ vay dài hạn là 915 triệu USD. Công ty còn tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt khoảng 2.400 tỷ đồng. Vietcap ước tính nhu cầu vốn xây dựng cơ bản của VinFast trong năm 2024 - 2025 là 20.900 tỷ đồng/năm.
Về nguồn huy động vốn, ban lãnh đạo VinFast cho biết rằng hai kênh chính dự kiến tại tháng 6/2024 bao gồm thỏa thuận phát hành vốn cổ phần trị giá 968 triệu USD với Yorkville; các khoản tài trợ dự kiến 1 tỷ USD đến từ chủ tịch, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đối với nghĩa vụ nợ vay đến hạn trong nửa cuối năm 2024, công ty đã có thỏa thuận tái cấp vốn với các bên cho vay.