VABA kiến nghị không cắt margin cổ phiếu hàng không, du lịch dù báo lỗ

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) mới đây đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cắt margin với cổ phiếu các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không và du lịch.
VABA kiến nghị không cắt margin cổ phiếu hàng không, du lịch dù báo lỗ

Cụ thể, VABA cho rằng các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể tự đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp và rủi ro trong sử dụng margin khi quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Quyết định số 87/QĐ-UBCK năm 2017, những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế hợp nhất là số âm trên báo cáo tài chính năm cả năm kiểm toán hoặc báo cáo bán niên soát xét sẽ không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) sẽ ra thông báo về việc chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ và các công ty chứng khoán sẽ phải "cắt margin".

VABA cho rằng các doanh nghiệp hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên khó có thể duy trì điều kiện về giao dịch ký quỹ theo Quyết định 87 nói trên.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – MCK: HVN) lỗ sau thuế hợp nhất 6.678 tỷ đồng nên cổ phiếu HVN đã bị cắt margin. Hiện nay Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo kiểm toán cả năm, nhưng báo cáo quý IV đã cho thấy tổng công ty này lỗ tới trên 11.000 tỷ đồng nên HVN chắc chắn sẽ tiếp tục nằm trong danh sách không được cho vay ký quỹ. Hai hãng bay Pacific Airlines và Vasco cũng do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam quản lý.

Trong khi đó, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) báo lãi gần 47 tỷ đồng trong nửa đầu năm và 70 tỷ đồng trong cả năm 2020 nên thoát cảnh bị cắt margin. Tuy nhiên, lợi nhuận của Vietjet không đến từ kinh doanh vận chuyển hàng không mà là từ các hoạt động khác.

Trong khi đó, Bamboo Airways và tân binh Vietravel Airlines chưa lên sàn chứng khoán nên chưa phải lo nghĩ về vấn đề ký quỹ cổ phiếu.

Bamboo Airways báo lãi trước thuế hơn 400 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng không nêu rõ lợi nhuận này đến từ hoạt động nào.

CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (VTR) là công ty mẹ của Vietravel Airlines. Nửa đầu năm 2020, Vietravel báo lỗ gần 74 tỷ đồng. Tính cả năm, số lỗ giảm xuống còn 16 tỷ đồng.

Ngành hàng không còn nhiều doanh nghiệp khác không phải là các hãng bay. Chẳng hạn, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) từng báo lãi sau thuế 1,5 tỷ đồng trong nửa đầu 2020 nên cổ phiếu AST vẫn được giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên theo báo cáo tài chính quý IV, công ty này lỗ cả năm 51,5 tỷ đồng nên nhiều khả năng AST sẽ chính thức bị cắt margin sau khi báo cáo kiểm toán 2020 được công bố.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.

Tuy nhiên, đây là bối cảnh đặc biệt nên khó có thể duy trì điều kiện về giao dịch ký quỹ như thông thường. Nếu "cứng nhắc" áp dụng thì sẽ càng gây khó cho ngành hàng không, du lịch nói chung và các công ty nói riêng.

Bên cạnh đề xuất về việc không cắt margin của các doanh nghiệp hàng không, du lịch. VABA cũng đã đề nghị Nhà nước tăng cường thúc đẩy sản phẩm du lịch cách ly tại cơ sở cư trú, phát triển những sản phẩm mang tính trải nghiệm du lịch tại chỗ, giúp du khách trong nước và ngoài nước tìm hiểu văn hóa, du lịch các vùng miền Việt Nam ngay trong thời gian cách ly tạm thời.

Đồng thời, từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vắc-xin, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như: Châu Âu, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm