Tham gia chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 26/7 có ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; PGS.TS Vũ Văn Tích, Phó Giám đốc Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; hai Phó Chủ tịch HBA bà Ninh Thị Ty và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cùng đông đảo doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA…
VACOD-HBA SẴN SÀNG CHO NHIỆM VỤ QUỐC GIA VÀ TÔN VINH NỮ DOANH NHÂN
Mở đầu chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 26/7, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA thông báo về công tác chuẩn bị cho hai hoạt động lớn sắp tới mà Hiệp hội và cộng đồng doanh nhân Việt Nam đóng góp tích cực.
Trước tiên là sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp vào sự kiện trọng đại của quốc gia: Lễ Diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025).
Do tầm quan trọng của nhiệm vụ A80, Chủ tịch Sơn nhấn mạnh những thông tin chính yếu và cập nhật về công tác chuẩn bị của cộng đồng doanh nhân với nhiệm vụ quốc gia. Theo TS Nguyễn Hồng Sơn, cộng đồng doanh nhân Việt Nam sẽ có một khối diễu hành riêng trong chương trình diễu binh, diễu hành cấp quốc gia vào sáng ngày 2/9. Đây là một sự kiện trọng đại, khẳng định vai trò và đóng góp của giới doanh nhân vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo người đứng đầu VACOD-HBA, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức hoạt động này. VCCI đã thành lập Ban Chỉ đạo Khối diễu hành Doanh nhân Việt Nam với Chủ tịch VCCI làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch VCCI là Phó Trưởng ban. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng vinh dự được mời tham gia vai trò Phó Trưởng Ban chỉ đạo khối diễu hành doanh nhân Việt Nam.
Ông cho biết, Ban Chỉ đạo đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào giữa tuần qua để bàn bạc và triển khai công tác chuẩn bị. Hai hiệp hội VACOD và HBA đã phân công ông Nguyễn Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Hiệp hội tham gia Ban Tổ chức. Ban Tổ chức do Tổng Thư ký VCCI đứng đầu sẽ có những phân công và bước đi cụ thể nhằm chuẩn bị cho khối diễu hành.
Tương tự các khối phụ nữ, công nhân, cựu chiến binh, thanh niên, khối doanh nhân sẽ gồm 160 người, được chia thành 10 hàng, mỗi hàng 16 người. TS Sơn cho biết, dù thông tin được tiếp nhận khá muộn (chỉ khoảng một tuần) nhưng công tác tập hợp danh sách các doanh nhân và đoàn doanh nghiệp tham gia đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ. VACOD-HBA được phân công chuẩn bị 120 trên tổng số 160 người, chủ yếu là lực lượng doanh nhân nòng cốt tại Hà Nội.
Bên cạnh lực lượng chính là các doanh nhân, để đảm bảo quân số luôn sẵn sàng, ngoài lực lượng chính thức, Ban Tổ chức cũng chuẩn bị thêm một danh sách dự phòng với tổng quân số lên khoảng 200 người, bao gồm cả cán bộ VCCI, cán bộ văn phòng hai hiệp hội và cán bộ, phóng viên, BTV Tạp chí Thương gia. Lực lượng dự phòng này cũng sẽ tham gia luyện tập đầy đủ.
Về trang phục, theo quy định của Ban Tổ chức quốc gia, nam giới sẽ mặc com-lê cùng sơ mi trắng, nữ giới mặc vest công sở với sơ mi trắng. Màu sắc chủ đạo được lựa chọn cho khối doanh nhân là xanh đen hoặc xanh tím than. Để tạo nên sự đồng nhất trang phục cho toàn khối doanh nhân Việt Nam, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm đã xung phong tài trợ toàn bộ vải may và vải lót để may đồng phục cho đoàn.
“Thay mặt Ban Chỉ đạo khối diễu hành doanh nhân Việt Nam với trên 200 người, tôi xin cảm ơn chị Ninh Thị Ty và Tập đoàn Hồ Gươm đã ủng hộ, tài trợ phần đồng phục, góp phần tạo nên hình ảnh trang nghiêm và đẹp mắt cho khối của chúng ta”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn biểu dương.
Đáp lại lời cảm ơn của Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn về việc tài trợ đồng phục cho khối diễu hành, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm, khiêm tốn bày tỏ: “Trước hết, phải cảm ơn mọi người đã tín nhiệm tôi và Tập đoàn Hồ Gươm”.
Bà Ty chia sẻ về năng lực sản xuất ấn tượng của Tập đoàn Hồ Gươm: "Chúng tôi mỗi năm may khoảng gần 2 triệu sản phẩm vest nữ, jacket cho Mango, Zara và các thương hiệu lớn khác nên loại vải tài trợ cho khối sẽ là vải chuyên dụng, có chất lượng cao cấp”. Bà gợi ý có thể may theo đúng kiểu dáng hiện có, hoặc bà sẽ gửi một loạt mẫu phù hợp với chất liệu vải này để Ban Tổ chức lựa chọn. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch HBA và bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD với kinh nghiệm phong phú về thời trang sẽ tham gia góp ý để việc may đồng phục cho đoàn diễu hành doanh nhân Việt Nam diễn ra nhanh chóng, kịp thời.
Để không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả tập luyện, Ban Tổ chức dự kiến lên kế hoạch tập luyện phù hợp, dự kiến vào chiều thứ Bảy hoặc sáng Chủ nhật hàng tuần. Điều này giúp các đơn vị chủ động sắp xếp thời gian và đảm bảo hiệu quả công việc.
TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, ngoài các buổi tập luyện do Ban Tổ chức khối chủ động sắp xếp, sẽ có hai buổi sơ duyệt và tổng duyệt chương trình do Ban Chỉ đạo Quốc gia ấn định. Đây là những buổi quan trọng mà các đơn vị tham gia cần tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian.
“Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức sẽ chủ động huy động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp có người tham gia diễu hành để hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho người luyện tập, đảm bảo cơ sở vật chất và công tác hậu cần cho toàn bộ hoạt động. Trong tuần tới, tôi sẽ làm việc với một số doanh nghiệp về nội dung này”, Chủ tịch Sơn thông tin thêm.
Để công tác chuẩn bị diễn ra thuận lợi, TS Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng lên danh sách người tham gia đoàn diễu hành theo mẫu quy định của Ban Tổ chức với yêu cầu có hai tiêu chí quan trọng cần đảm bảo: Thứ nhất, về chiều cao nữ giới cần đạt từ 1m55 trở lên và nam giới từ 1m65 trở lên. Thứ hai và cũng là yếu tố then chốt, người tham gia cần có sức khỏe tốt.
Chủ tịch Sơn giải thích: “Chúng ta sẽ tự tập kết, đi bộ tới Quảng trường Ba Đình, sau đó lại đi bộ về điểm tập kết để kết thúc. Tổng quãng đường đi bộ có thể lên tới khoảng chục cây số nên yếu tố sức khỏe thể lực là rất quan trọng”. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi từng tham gia Ban Chỉ đạo và trực tiếp diễu hành trong đoàn doanh nhân Việt Nam qua Quảng trường Ba Đình.
Đặc biệt, người đứng đầu VACOD-HBA yêu cầu các đơn vị có người tham gia cần cử một thành viên trong ban lãnh đạo làm đầu mối để phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức. Điều này nhằm đảm bảo việc triệu tập và huy động lực lượng diễn ra kịp thời, đúng theo yêu cầu của chương trình.
Song song với công tác chuẩn bị cho khối diễu hành dịp Đại lễ 2/9, TS Nguyễn Hồng Sơn cũng thông tin về một sự kiện quan trọng khác: Chương trình bình xét và trao “Cúp Bông hồng vàng” cho các nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu do VCCI chủ trì vào dịp Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay. Dự kiến sẽ có 100 nữ doanh nhân được vinh danh trong đợt này.
Hai hiệp hội VACOD và HBA sẽ giới thiệu tổng cộng 10 ứng cử viên, mỗi hiệp hội 5 người để tham gia bình xét. Đến thời điểm hiện tại, danh sách 10 ứng cử viên đã được lựa chọn đầy đủ. Chủ tịch Sơn đặc biệt lưu ý về tầm quan trọng của chất lượng và tiến độ hồ sơ: “Đề nghị các doanh nhân được đề cử bám sát vào việc xây dựng hồ sơ. Tránh trường hợp nộp hồ sơ quá hạn, điều này có thể dẫn đến việc bị loại khỏi danh sách”, ông nêu bật việc nộp hồ sơ đúng thời hạn là bắt buộc và không có ngoại lệ.
Chương trình Bữa sáng Doanh nhân" tuần này đã dành thời gian gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với một số nữ doanh nhân thuộc hai hiệp hội VACOD và HBA, là những gương mặt nổi bật đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ bình xét "Cúp Bông hồng Vàng" năm nay: Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị THB Group, Phó Chủ tịch HBA; bà Tô Thị Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc; bà Đào Thị Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ba Thành; bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến Nông sản Bảo Minh. Các nữ doanh nhân đều đề đạt những nguyện vọng thiết thực với mong muốn được ban tổ chức hỗ trợ giải đáp thắc mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ dự bình xét.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI và Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đã trực tiếp lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của các nữ doanh nhân và giải đáp mọi thắc mắc của họ, đồng thời tư vấn ngay tại chỗ về quy trình, thủ tục, các điều kiện chuẩn bị hồ sơ và tiêu chí giải thưởng. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Hiệp hội đối với việc tôn vinh những đóng góp của đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam.
Để đảm bảo chất lượng ứng cử viên, VACOD-HBA sẽ chủ động thực hiện quy trình chấm sơ tuyển nội bộ trước khi gửi hồ sơ lên Ban Chỉ đạo quốc gia và VCCI. “Chúng tôi sẽ căn cứ vào các tiêu chí xét duyệt và những lưu ý từ Ban tư vấn để chấm trước. Dù không phải khâu bắt buộc trong quá trình bình xét, nhưng việc này giúp chúng tôi biết trước những trường hợp có khả năng đạt điểm tương đối cao, qua đó dễ dàng hơn trong việc bảo vệ ứng cử viên tại VCCI”, Chủ tịch Sơn giải thích.
Ông đề nghị các nữ doanh nhân ứng cử chuẩn bị hồ sơ thật chu đáo và đúng hạn. Hai văn phòng Hiệp hội sẽ phối hợp cùng ông Nguyễn Ngọc Luân để hướng dẫn các ứng viên hoàn thành hồ sơ trước ngày 5/8. Sau thời hạn này, Hiệp hội sẽ tổ chức chấm sơ tuyển. “Tất nhiên, từ nay đến thời điểm đó nếu phát sinh những trường hợp đặc biệt, chúng tôi có thể báo cáo Ban Tổ chức của VCCI để đề xuất bổ sung, nhằm đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các nữ doanh nhân ứng cử”, ông Sơn cho biết.
TÍCH CỰC CHUẨN BỊ CHUỖI SỰ KIỆN CHÀO MỪNG NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM
Bên cạnh hai sự kiện lớn mang tầm quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin về các hoạt động trọng tâm của hai Hiệp hội VACOD-HBA nhằm chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay.
Đầu tiên là chương trình thường niên “Giao lưu Doanh nhân ba miền Bắc – Trung – Nam” do VACOD tổ chức. Năm nay, sự kiện dự kiến sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm, vào cuối tháng 9 tại Lâm Đồng (khu vực Mũi Né, Bình Thuận cũ). Như thường niên, song song sự kiện gặp gỡ giao lưu của doanh nhân đến từ 3 miền, Hiệp hội sẽ tổ chức đồng thời một chương trình Hội nghị, hội thảo với nội dung trọng tâm bàn giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực khi triển khai các Nghị quyết 57 và 68.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nêu lý do lựa chọn địa điểm tổ chức năm nay nhằm hướng tới vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi chưa từng tổ chức sự kiện tương tự sau các kỳ diễn ra tại Đà Nẵng và Nha Trang.
Thứ hai là chương trình “Gala Doanh nhân Thăng Long” thường niên của HBA tại Hà Nội – nơi gặp gỡ, họp mặt của các doanh nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Sự kiện này dự kiến sẽ được tổ chức vào tối ngày 6/10 (thứ Hai), tại Khách sạn Daewoo Hà Nội.
Chủ tịch Sơn tổng kết lại những nhiệm vụ sắp tới của hai hiệp hội từ nay đến tháng 10, cộng đồng doanh nhân sẽ có bốn chương trình lớn cần quan tâm và dành thời gian tham dự: Chuẩn bị khối diễu hành doanh nhân Việt Nam tham gia Lễ Quốc khánh 2/9, chương trình bình xét "Cúp Bông hồng vàng" dịp 13/10, cùng hai sự kiện nội bộ quan trọng gồm "Giao lưu Doanh nhân ba miền Bắc-Trung-Nam" tại Mũi Né và "Gala Doanh nhân Thăng Long" tại khách sạn Daewoo Hà Nội.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn chỉ đạo các cán bộ hai văn phòng Hiệp hội cùng Tạp chí Thương gia nhanh chóng lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo các sự kiện. Ông yêu cầu tập trung vào cả khâu tổ chức và truyền thông để đảm bảo chuỗi sự kiện quan trọng này diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần lan tỏa hình ảnh và vai trò của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
TỪ HỘI NHẬP QUỐC TẾ ĐẾN “LỤC BẢO” CỦA HÀ NỘI, XÂY DỰNG SILICON VALLEY VIỆT NAM
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh mang đến những thông tin giá trị về các hoạt động cốt lõi của VCCI đối với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Vinh mở đầu bằng việc nhắc đến cuộc họp quan trọng về ngoại giao kinh tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại Văn phòng Chính phủ cách đây vài ngày, với sự tham gia trực tuyến của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn và các đoàn ngoại giao, đại sứ trên toàn cầu.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế, Phó Chủ tịch VCCI thông báo về thành công của kỳ họp lần thứ ba của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) diễn ra từ ngày 15-18/7 tại Hải Phòng. VCCI đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội để tổ chức sự kiện này.
Nhân dịp này, VCCI cũng phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư với chủ đề "Hải Phòng – Điểm đến chiến lược của kinh tế, thương mại và đầu tư trong kỷ nguyên mới". Ông Vinh đánh giá đây là hội nghị doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam từ đầu năm đến nay và lớn nhất của Hải Phòng cũng như khu vực duyên hải, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu. Đáng chú ý, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều Bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành quan trọng đã tham dự. Sự kiện còn thu hút khoảng 50 đoàn ngoại giao, 20 đại sứ và 50 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là sự hiện diện đông đảo của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuần lễ ABAC 3 là những ngày bận rộn nhất của lãnh đạo TP Hải Phòng từ sau khi sáp nhập bởi lẽ xuyên suốt 3 ngày, từ Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch đến các Phó Chủ tịch UBND thành phố và Giám đốc sở đều phải gặp gỡ, tiếp xúc các đoàn. Chủ tịch nước đã tham dự toàn bộ Hội nghị xúc tiến đầu tư và Gala Dinner. Đặc biệt, Chủ tịch nước Lương Cường đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp ABAC lần thứ 44.
"Đầu ra của cuộc họp thứ ba này tại Hải Phòng là cực kỳ quan trọng, xây dựng báo cáo kiến nghị lên các Bộ trưởng Bộ Kinh tế các nước (Bộ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam) để phục vụ đối thoại giữa các doanh nghiệp APEC và nguyên thủ của 21 nền kinh tế APEC vào tháng 10/2025 tại Busan, Hàn Quốc”, ông Vinh nói.
Bên cạnh khuôn khổ APEC, VCCI còn chủ trì hợp tác đa phương trong ASEAN. Ông Vinh thông báo Tuần lễ cấp cao ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 24-26/10 tại Kuala Lumpur, Malaysia, trong đó có Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư ASEAN (ASEAN Business & Investment Summit - ABIS). Ông kỳ vọng VCCI sẽ truyền tải thông tin tới các doanh nghiệp trong 1-2 tuần tới để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể tham dự đông đảo. “Thủ tướng Chính phủ sẽ là người tham dự và phát biểu tại ABIS, điều này được cộng đồng doanh nghiệp ASEAN đánh giá rất cao” ông nói.
Về chương trình “Doanh nghiệp bền vững” vào tháng 11, VCCI sẽ công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững hàng năm. Ông Vinh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là khi quy trình đăng ký và chấm điểm hoàn toàn trên phần mềm, dựa trên bộ 150 chỉ tiêu đo lường tính bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Lần đầu tiên tham dự chương trình Bữa sáng Doanh nhân, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hào hứng chia sẻ về 6 nghị quyết đột phá mà ông gọi là “lục bảo” do thành phố Hà Nội sắp ban hành vào tháng 8 tới, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết 57 và 68 của Trung ương. Ông nhấn mạnh đây là những chính sách "chưa từng có trong lịch sử Hà Nội" với mục tiêu tạo bước nhảy vọt cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, 4 nghị quyết chính do Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu bao gồm:
Thứ nhất, chính sách đặc thù phát triển Khoa học Công nghệ: Thay đổi cơ chế, trao quyền chủ động cho chủ nhiệm đề tài (doanh nghiệp, cá nhân, nhà khoa học), hỗ trợ kinh phí lớn (50-100%). “Thành phố đang triển khai một tư duy và cách làm hoàn toàn mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Theo đó, chúng tôi sẽ mở rộng toàn bộ và giao quyền chủ động cho các chủ nhiệm đề tài bao gồm doanh nghiệp, cá nhân, hoặc các nhà khoa học.
Cơ chế này hoạt động theo hình thức đặt hàng: thành phố sẽ đưa ra những bài toán lớn, sau đó các doanh nghiệp, tổ chức, hoặc cá nhân sẽ đăng ký bảo vệ đề xuất của mình. Nếu được lựa chọn, họ sẽ được giao khoán kinh phí và toàn quyền sử dụng kinh phí đó theo quy định pháp luật”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt, cơ chế mới này không yêu cầu các thủ tục như đấu thầu phức tạp như trước đây. Các chủ nhiệm đề tài sẽ có quyền tự quyết định việc lựa chọn đơn vị cung ứng để hoàn thành bài toán mà thành phố đã đặt ra. Điều này nhằm tối ưu hóa sự linh hoạt và hiệu quả trong việc triển khai các dự án.
Thứ hai, cơ chế vận hành thử nghiệm: Hỗ trợ 70-100% kinh phí thử nghiệm sản phẩm, cho phép đơn vị toàn quyền sử dụng và hưởng lợi nhuận khi thành công;
Thứ ba, thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2.000-2.500 tỷ đồng, hoạt động theo cơ chế tư nhân, đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ, sản phẩm và hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó ngân sách thành phố chiếm khoảng 49%, còn 51% sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân lớn.
Quỹ sẽ do Đại hội đồng quỹ vận hành, với sự tham gia chủ yếu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân và một bộ phận nhỏ của nhà nước, hoạt động theo cơ chế quỹ tư nhân để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Quỹ này sẽ đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ, sản phẩm và cả hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ khép kín từ ý tưởng đến thị trường, có sự tham gia của ngân sách thành phố và các nhà “đầu tư thiên thần”;
Thứ năm, phát triển trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (1.500ha), hướng tới mô hình "Silicon Valley của Việt Nam". “Trong vòng một vài năm tới, chắc chúng ta sẽ rất bất ngờ với Silicon Valley này”, ông Tuấn kỳ vọng, nhấn mạnh các cơ chế, nguồn lực và cách làm mới sẽ thu hút trí tuệ trong và ngoài nước.
Thứ sáu, xây dựng sàn giao dịch khoa học và công nghệ, tái khởi động sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, thí điểm với khối doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội kêu gọi các doanh nhân, đặc biệt cá nhân Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và thành viên hai hiệp hội tham gia góp ý để hoàn thiện 6 nghị quyết quan trọng của thành phố Hà Nội, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả tối đa. Ông cũng khẳng định đây là cơ hội lớn để kinh tế tư nhân khẳng định vai trò, trí tuệ và đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Tiếp lời Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn hoan nghênh, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào lộ trình phát triển khoa học công nghệ của thành phố. “Chúng tôi tin lĩnh vực khoa học công nghệ của Hà Nội đang có những bước chuẩn bị, lộ trình nhất định để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 và 68 vào cuộc sống”, ông Sơn nói.
Chủ tịch VACOD-HBA khẳng định hai hiệp hội có nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đa lĩnh vực, không chỉ là nhà quản lý mà còn là những người am hiểu thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan đến doanh nghiệp tư nhân. Với nguồn lực chuyên môn dồi dào, VACOD-HBA sẵn sàng đóng góp ý đa chiều, chất lượng cho Hà Nội về các dự thảo nghị quyết. Chủ tịch Sơn khẳng định hai hiệp hội sẽ tổng hợp ý kiến và đóng góp trực tiếp với thành phố, thể hiện tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố.
Về phía Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Sở luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chứng chỉ, chứng nhận. “Với tư cách quản lý nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực khoa học công nghệ, hy vọng Sở sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển. Đây là cách để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển bền vững”, người đứng đầu VACOD-HBA nhấn mạnh.
Chủ tịch Sơn cũng đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi chia sẻ thông qua chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" hoặc các chuyên đề riêng về quản lý nhà nước. Những hoạt động này sẽ giúp tăng cường sự đồng hành giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển đúng định hướng của Trung ương và thành phố.