VACOD-HBA: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp khi thị trường tiền tệ đang ở những “lằn ranh” nhạy cảm

Chủ trì "Bữa sáng Doanh nhân" ngày 30/3, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn tin tưởng, bên cạnh những thách thức mà thị trường tiền tệ 2024 đem đến, cộng đồng doanh nghiệp vẫn có thể nhìn thấy những cơ hội phát triển mới…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 z5305923114047-42827a7c24e0b54c6c06dee49b4ffb8c-6843.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Hội nghị Ban chấp hành đầu tiên năm 2024 của VACOD-HBA sẽ diễn ra vào tháng 5 tại tỉnh Hòa Bình

Tham dự chương trình có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV; PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng sự góp mặt của các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD-HBA…

Tại chương trình "Bữa sáng Doanh nhân", TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội - HBA, đã thông báo về kế hoạch hoạt động của hai Hiệp hội trong năm nay.

z5305923071061-6e25f736555d4607559fe64b872c3b68-6245.jpg
Đại biểu và doanh nhân trao đổi tại chương trình "Bữa sáng Doanh nhân”

Theo ông Sơn, Hội nghị Ban chấp hành đầu tiên năm 2024 của VACOD-HBA dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10-12/5, và được tổ chức tại khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (dự án Ivory Villas & Resort, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) do Công ty Cổ phần Archi ReenCo Hoà Bình, thuộc Tập đoàn Việt Mỹ làm chủ đầu tư.

TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân của Hiệp hội tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại Dự án nghỉ dưỡng duy nhất với “tầm view vô cực” tại phía Tây Hà Nội để có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại dự án.

“Tại Hội nghị này, sẽ có sự tham gia của các diễn giả từ Quốc hội, Bộ Xây dựng, và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các diễn giả sẽ trao đổi về Luật Đất đai mới, Luật Kinh doanh Bất động sản, và Luật Nhà ở, cũng như tác động của các luật này đến doanh nghiệp”, người đứng đầu VACOD-HBA bật mí.

z5305923060853-b1e5290f26c6c55e1187c4473c78cdde-8419.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA

“Ngoài ra, vào tháng 10, hai hiệp hội VACOD-HBA sẽ tổ chức Hội nghị Ban chấp hành tại tỉnh Điện Biên. VACOD-HBA cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch và chương trình Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc – Trung – Nam năm 2024 tại Điện Biên”, TS. Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.

CHÈO LÁI DOANH NGHIỆP QUA BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ 2024

Cũng tại chương trình, chia sẻ trong chuyên đề “Diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024 – Cơ hội và Giải pháp”, ông Hoàng Xuân Hiếu, Giám đốc Phát triển kinh doanh phía Bắc, Khối Thị trường vốn và ngoại hối Sacombank cho biết, thế giới trong 2 năm vừa qua chia thành hai thái cực về chính sách tiền tệ. Thái cực thứ nhất là các nước Âu, Mỹ thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất và duy trì ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Thái cực thứ hai là các nước phát triển ở Châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản giảm hoặc duy trì mức lãi suất thấp.

Để làm rõ hơn nhận định trên, ông Hiếu cho hay, năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã đẩy giá cả hàng hóa lên cao, tạo nên chu kỳ lạm phát đầu tiên tại Mỹ. Sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 càng khiến lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao hơn. Điều này buộc các các quốc gia Âu – Mỹ phải liên tục tăng lãi suất.

Tuy nhiên, thị trường tiền tệ năm 2024 đang khó đoán định hơn bao giờ hết. Ví dụ, đến cuối tháng 3/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm. Thế nhưng, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lại giảm bất ngờ, đồng thời tỷ lệ lạm phát Mỹ tăng 0,4% trong tháng và đạt mức 3,2% so với cùng kỳ 2023. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững.

z5305923123820-8b4fc57bb2e5bf19aa47760fe9f2bd0d-2601.jpg
Ông Hoàng Xuân Hiếu, Giám đốc Phát triển kinh doanh phía Bắc - Khối Thị trường vốn và ngoại hối Sacombank

Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ hạ 0,25% lãi suất cơ bản xuống mức 1,5%, trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên thực hiện động thái này. Ngày 20/2/2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay tiêu chuẩn kỳ hạn 5 năm từ 4,2% xuống 3,95% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở một diễn biến khác, ngày 19/3/2024, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có bước ngoặt lịch sử khi dừng chính sách lãi suất âm kéo dài từ năm 2016. BoJ thông báo nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì âm 0,1% như trước. Đây cũng là lần đầu tiên BoJ tăng lãi suất chính sách sau 17 năm và sau 8 năm liền duy trì lãi suất âm.

“Như vậy có thể thấy chính sách tiền tệ đang rất phức tạp. Có quốc gia tăng, có quốc gia giảm nhưng cũng có quốc gia giữ nguyên lãi suất. Họ đều muốn vận hành chính sách tiền tệ để đạt được mục đích quan trọng riêng”, ông Hiếu nói.

Đối với diễn biến thị trường trong nước, ông Hiếu cho rằng, giai đoạn tháng 2-10/2022, khi FED tăng lãi suất thì Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng thực hiện 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. Chính nhờ vậy, mặc dù tỷ giá USD/VND mặc dù tăng giá rất mạnh nhưng mức tăng vẫn thấp hơn nhiều khi so sánh với biên độ tăng giá của USD/JPY hay USD/CNY.

anh-man-hinh-2024-04-01-luc-184914-5338.png
Biến động tỷ giá USD/VND

Theo ông Hiếu, Việt Nam đã và đang chủ động ứng phó với biến động lãi suất quốc tế, giữ cho tỷ giá USD/VND ổn định. Chiến lược "cây tre" thể hiện sự linh hoạt, mềm mỏng trong chính sách tiền tệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước.

Vị Giám đốc Phát triển kinh doanh phía Bắc - Khối Thị trường vốn và ngoại hối Sacombank đề xuất một số giải pháp cho doanh nghiệp trước những biến động của tỷ giá USD/VND.

Thứ nhất là giao dịch kỳ hạn nhằm phòng tránh rủi ro biến động tỷ giá. Doanh nghiệp có thể thỏa thuận mua hoặc bán cho ngân hàng số lượng ngoại tệ nhất định, với tỷ giá được ấn định tại thời điểm thỏa thuận và ngày giao/nhận được xác định tại một thời điểm tương lai. Giúp doanh nghiệp bảo hiểm rủi ro biến động tỷ giá và cố định chi phí.

Giải pháp thứ hai sử dụng giao dịch hoán đổi lãi suất để giảm chi phí lãi vay, một công cụ tài chính đã được áp dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế. Hoán đổi lãi suất là giao dịch trao đổi lãi suất của một đồng tiền sang đồng tiền khác. Hai bên tham gia có thể thỏa thuận trao đổi vốn gốc đầu kỳ và/hoặc điều chỉnh khoản gốc theo thời gian.

Thứ ba là giao dịch phái sinh hàng hóa, phù hợp với khách hàng doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mặt hàng trên Sở giao dịch hàng hóa quốc tế. Có nhu cầu bảo hiểm rủi ro biến động giá cả hàng hóa. Với giao dịch này, sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm rủi ro do biến động giá cả hàng hóa trong bối cảnh thị trường có rất nhiều biến động khó lường như hiện nay.

z5305923141711-33bdf1f66c83e07db2017e1cb0286161-7960.jpg
Bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm

Tại chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, đặt câu hỏi về dự báo lãi suất cho vay USD trong tương lai từ góc nhìn của Sacombank?

Ông Hoàng Xuân Hiếu, Giám đốc Phát triển kinh doanh phía Bắc - Khối Thị trường vốn và ngoại hối Sacombank đưa ra dự báo lãi suất USD trên thị trường quốc tế sẽ giảm trong thời gian tới. Lý do là Mỹ đang ở mức lãi suất cao (5,25 - 5,5%) từ cuối năm 2023 đến nay và dự kiến sẽ giảm lãi suất 3 lần cho đến cuối năm 2024.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất USD vay tại Việt Nam lại có chút khác biệt. Các ngân hàng cho vay dựa trên lãi suất huy động USD, mà hiện nay lãi suất huy động USD tại Việt Nam đang ở mức trần 0%. Do đó, vay USD tại Việt Nam hiện nay thậm chí còn rẻ hơn so với thị trường quốc tế. Lãi suất vay USD tại các tổ chức tài chính quốc tế có thể lên đến 6-7%, trong khi tại Việt Nam, các doanh nghiệp có tài chính tốt thậm chí có thể vay USD với lãi suất chỉ từ 2,5 - 3%.

Theo nhận định của Sacombank, khả năng lãi suất vay USD tại Việt Nam giảm thêm là rất khó, nó sẽ không thể theo xu hướng giảm lãi suất USD trên thị trường quốc tế mà sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào lượng huy động USD của các tổ chức tín dụng trong nước.

z5305923165264-e7daa7586024c7a09825b3fd422f085a-355.jpg
PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ

PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ đặt vấn đề, giao dịch hàng hóa hiện nay có giao dịch tiền số không? Giá cả của các loại tiền số biến động có tác động đến tỷ giá hay không?

Trả lời vấn đề này ông Hoàng Xuân Hiếu cho rằng, hiện nay, giao dịch phái sinh hàng hóa chỉ giới hạn trong danh mục được Ngân hàng Nhà nước quy định trong Thông tư 40/2018. Danh mục này nêu rõ các loại hàng hóa mà doanh nghiệp được phép giao dịch, trong đó không bao gồm các giao dịch tiền số.

Về mặt lý thuyết, giá trị của tất cả hàng hóa và tiền tệ đều được định giá dựa trên một loại tiền tệ khác, thường là đồng USD. Do đó, mọi giao dịch đều có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tiền số tại Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ lớn để tác động đáng kể đến tỷ giá trong nước.

z5305923182841-adcdc743ae9b27ee0bbe26c926e47d4d-2379.jpg
TS. Dương Thu, Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader)

Tiến sĩ Dương Thu, Nhà sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader), nhận định rằng thông thường giá USD tăng thì giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, cả hai đều đang tăng. Theo xu hướng chung, giá vàng thế giới liệu có tiếp tục tăng?

Theo ông Hoàng Xuân Hiếu, giá trị của bất kỳ hàng hóa nào, bao gồm cả vàng, đều được định giá dựa trên đồng tiền. Do đó, việc giá vàng và giá USD biến động ngược chiều là điều bình thường. Hiện tại, USD index đang có xu hướng giảm giá, vì các nhà đầu tư dự đoán rằng lãi suất USD sẽ giảm trong thời gian tới.

Theo phân tích của Sacombank, giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng, đặc biệt là khi USD bước vào chu kỳ giảm lãi suất. Riêng đối với thị trường trong nước, giá vàng SJC bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khá hạn chế nên vẫn sẽ xuất hiện chênh lệch so với giá vàng thế giới.

z5305923201171-2af5dc1b1f15649fc9375aa72676471e-8470.jpg
Ông Nguyễn Duy Ninh - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm phát biểu, ngoài việc giao dịch với khách hàng thanh toán bằng tiền USD, chúng tôi còn giao dịch với khách hàng châu Âu bằng tiền Euro. Đại diện Sacombank có thể chia sẻ thêm về diễn biến Euro trong thời gian tới?

Giám đốc Phát triển kinh doanh phía Bắc - Khối Thị trường vốn và ngoại hối Sacombank đưa ra dự báo, diễn biến chính sách tiền tệ của châu Âu và Mỹ có thể tương đồng nhau. Khi Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, châu Âu cũng sẽ có giai đoạn tương tự. Sau khi kiềm chế lạm phát thành công, châu Âu có thể cắt giảm lãi suất trở lại. Do đó, tỷ giá Euro được dự báo có thể sẽ giảm trong thời gian tới, mức độ giảm còn phụ thuộc sự quyết liệt trong chính sách tiền tệ của ECB.

z5305923148975-4d3799d7c63e97644a8ec8df9329c809-6762.jpg
Đại diện Công Ty Cổ Phần Thiên Hà Kameda

Đại diện công ty Cổ phần Thiên Hà Kameda đặt câu hỏi, việc Ngân hàng Nhà nước hút tín phiếu đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên tại sao hiệu quả trong việc ổn định tỷ giá chưa được thể hiện rõ ràng như lần phát hành trong năm 2022? Tỷ giá vẫn tiếp tục tăng nên doanh nghiệp đang hơi thiếu định hướng trong giai đoạn hiện tại, vậy ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Hiếu cho rằng, so với năm 2022, động thái phát hành tín phiếu năm nay có phần thận trọng. Việc phát hành mới chỉ tác động trên thị trường liên ngân hàng chứ chưa tác động lên thị trường 1 (cư dân, doanh nghiệp và ngân hàng). Tuy nhiên, do hai thị trường cũng có tính liên thông nhất định, nếu thực hiện hút tiền dư thừa quá nhiều sẽ khiến đi ngược với mục tiêu giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế của Chính phủ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đang phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Chia sẻ thêm về biến động tỷ giá và dự trữ ngoại hối của Việt Nam, ông Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc Khối thị trường vốn và ngoại hối Sacombank cho biết, cuối năm 2022, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh từ 23.000 lên gần 25.000 đồng, sau đó lại giảm sút đột ngột. Một phần nguyên nhân cho sự sụt giảm này là Ngân hàng Nhà nước đã bán can thiệp gần 30 tỷ USD để kìm đà tăng mạnh, giúp ổn định tỷ giá.

z5305923224676-16d3d0452c5eb93ac98530e665786e69-9564.jpg
Ông Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc Khối thị trường vốn và ngoại hối Sacombank

Trước đó, trong 6 năm từ 2016 đến 2021 trước khi thực hiện bán ngoại tệ can thiệp, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng từ 70 tỷ USD lên xấp xỉ 120 tỷ USD vào cuối năm 2021, mức cao nhất trong lịch sử.

Đến thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối đang ở mức dưới 100 tỷ USD không quá cao so với quy mô nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Vinh, với quy mô kinh tế hiện tại, Việt Nam đang đặt mục tiêu duy nâng dự trữ ngoại hối từ 16 tuần nhập khẩu tương đương mức 110 tỷ USD, cao hơn mức khuyến nghị của IMF (12-14 tuần). Do đó, khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra ngoại tệ để giữ tỷ giá trong thời gian tới là không cao.

THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Phát biểu tại chương trình “Bữa sáng Doanh nhân”, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là cơ sở nghiên cứu khoa học công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tư vấn, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ.

Để hợp tác giữa Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và hai Hiệp hội VACOD-HBA, PGS.TS. Vũ Văn Tích đề xuất hợp tác 3 vấn đề chính trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Học viện, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, một chợ đầu mối trực tuyến sẽ được xây dựng. Chợ này sẽ đưa toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp Việt lên môi trường số, hỗ trợ xuất khẩu, thí điểm tại Pháp và Nhật Bản. Hàng hóa được đưa lên sàn sẽ áp dụng mô hình Trung Quốc với mã số, mã vạch và chỉ dẫn địa lý. Ưu tiên sản phẩm OCOP và chất lượng cao.

Chợ đầu mối trực tuyến sẽ liên kết với hai sàn giao dịch của Nhật Bản và Pháp. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa lên sàn để bán.

z5305923246765-a8c5f8b282ef0dbf682bf240f6c0d232-5435.jpg
PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất hợp tác 3 vấn đề chính trong thời gian tới với hai Hiệp hội VACOD-HBA

“Học viện sẽ phối hợp với Cục Sở trí tuệ sẽ đăng ký nhãn hiệu, mã số sản phẩm và kiểm định chất lượng sản phẩm, điều kiện môi trường. Sự tham gia của hai Hiệp hội sẽ giúp ích cho từng doanh nghiệp. Việc xây dựng chợ đầu mối trực tuyến là phù hợp với xu thế toàn cầu, giúp tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bán được hàng hóa ra thị trường quốc tế và cạnh tranh với các sàn giao dịch lớn”, PGS.TS. Vũ Văn Tích nói.

Đề xuất thứ hai là mở các lớp đào tạo quản lý dành cho lãnh đạo doanh nghiệp. Theo ông Tích, đây là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Chương trình đào tạo sẽ cung cấp kiến thức về đổi mới sáng tạo, tư duy chiến lược và kỹ năng quản lý hiệu quả cho các nhà lãnh đạo. Đồng thời, học viên cũng sẽ được học hỏi từ những bài học kinh nghiệm thực tế về thành công và thất bại trong kinh doanh, giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt trong tương lai.

Ngoài ra, chương trình còn cung cấp cho doanh nghiệp các phương thức và mô hình xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng số, và giải quyết các vấn đề thuế, nhất là thuế toàn cầu.

“Nội dung đào tạo được thiết kế bài bản, kết hợp lý thuyết và thực hành, giúp học viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế công việc một cách hiệu quả. Chương trình được triển khai bởi Học viện phối hợp với các chuyên gia quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo cao và cập nhật nhất”, PGS.TS. Vũ Văn Tích nhấn mạnh.

Cuối cùng, lãnh đạo Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bày tỏ mong muốn sẽ tổ chức buổi lễ ký kết hợp tác giữa Học viện và hai hiệp hội VACOD-HBA trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo VACOD-HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ cảm ơn chân thành tới PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

z5305923080536-68cae43b0649bdb63aea351c38f0f277-4135.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình đối với 3 đề xuất được đưa ra

Người đứng đầu VACOD-HBA cho biết sẽ phối hợp với Học viện trong việc chuyên nghiệp hóa hoạt động đưa sản phẩm lên sàn, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu, đặc biệt là Nhật Bản và Pháp. “VACOD-HBA tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả tích cực thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên”, ông Sơn nhấn mạnh.

Về tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số dành cho các nhà quản lý trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và thị trường. VACOD-HBA đánh giá cao tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ quản lý, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

z5305923091406-7c27e3074afe62b7ea1a3edc1323b058-5589.jpg
Toàn cảnh chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ngày 30/3

Về nội dung ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện và hai Hiệp hội. VACOD-HBA sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn thảo và ký kết văn bản hợp tác, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nội dung đề ra.

“Với tinh thần hợp tác cùng phát triển, VACOD-HBA tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác với Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm