Chủ trì chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” ngày 28/9, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA thông báo một số sự kiện quan trọng dồn dập diễn ra trong tháng 10, 11/2024. Những hoạt động này không chỉ mang đến cơ hội giao thương, kết nối cộng đồng doanh nghiệp mà còn mở ra cánh cửa hợp tác quốc tế đầy hứa hẹn…
Tham dự chương trình có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga; ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ VHTT&DL; ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Chủ tịch Trung tâm châu Âu – châu Á thuộc Liên minh châu Âu; bà Lương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD–HBA.
KHAI PHÓNG TIỀM NĂNG, VƯƠN TẦM QUỐC TẾ
Phát biểu mở đầu chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ những thông tin mới nhất về việc chuẩn bị cho Gala Doanh nhân Thăng Long 2024. Sự kiện này chính thức diễn ra vào chiều ngày 4/10 tại Khách sạn Daewoo Hà Nội. Theo đó, các công tác chuẩn bị đang dần hoàn tất những khâu cuối cùng, hứa hẹn mang đến một chương trình thật ấn tượng và ý nghĩa mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm tháng Doanh nhân của hai hiệp hội VACOD-HBA.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cập nhật thêm một số nội dung quan trọng liên quan đến chuỗi sự kiện của VACOD tổ chức tại Điện Biên từ ngày 17-19/10. Trong đó, Chương trình Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI là phần quan trọng nhất với nội dung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cho tỉnh Điện Biên. Chủ tịch Sơn cho biết, từ sớm, ban tổ chức chương trình đã kết nối với các chuyên gia cao cấp có tham luận tại hội nghị, quá trình làm việc với các chuyên gia được tiến hành một cách chuyên nghiệp, kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho các bài tham luận. Đặc biệt, Chủ tịch Sơn cho biết do tính chất quan trọng của hội nghị, VACOD đã “chọn mặt gửi vàng” Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn và TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ chủ trì và điều phối chương trình tọa đàm, hứa hẹn mang đến những giải pháp, đóng góp sâu sắc và giá trị.
Chủ tịch Sơn hé lộ một số nội dung hấp dẫn sẽ có trong bài tham luận của các chuyên gia. Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn sẽ có bài trình bày về chủ đề phát triển du lịch tỉnh Điện Biên; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ & Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có bài tham luận về đổi mới sáng tạo công nghệ có thể áp dụng với hoạt động đầu tư vào tỉnh Điện Biên.
Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế và mở rộng cửa giao lưu, chuỗi sự kiện tại Điện Biên lần này của VACOD còn chú trọng đến các hoạt động kết nối giữa tỉnh Điện Biên với các nước láng giềng qua cửa khẩu biên giới. Những nội dung được trình bày sẽ tập trung vào việc tạo dựng mối quan hệ bền vững với các quốc gia lân cận như Trung Quốc và Lào. Từ đó khai phóng, kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Phần tham luận của ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn sẽ thể hiện tinh thần của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương về nội dung xây dựng phát triển hạ tầng thương mại biên giới. Với tư cách là một chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực này, ông Tuấn sẽ trình bày những giải pháp cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng của các cửa khẩu tại tỉnh Điện Biên nối với các tỉnh Đông Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp.
Nhằm nâng tầm sự kiện mang tính quốc tế, VACOD đã làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang (Lào) để phối hợp và tổ chức đoàn đại biểu gồm đại diện một số doanh nghiệp Lào và doanh nghiệp Việt Nam tại Lào sang tham dự chuỗi sự kiện tại Điện Biên. Sự có mặt của các doanh nghiệp Lào cũng như các doanh nhân Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại Lào sẽ tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần đưa hội nghị trở thành một sự kiện hợp tác xuyên biên giới thành công. Với mong muốn tạo dựng một diễn đàn hợp tác hiệu quả, VACOD cũng đã gửi thư mời Bà Đại sứ CHDCND Lào và phu quân, cùng Tham tán Kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện do VACOD tổ chức tại Điện Biên. “Sự hiện diện của các vị khách quý sẽ góp phần nâng cao tầm vóc sự kiện và ý nghĩa kết nối quốc tế tại Điện Biên”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Chủ tịch Sơn cũng thông báo, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam (TLSQ) tại Luông-pha-bang đã mời VACOD tham dự chuỗi sự kiện liên quan hợp tác hữu nghị, văn hoá, kinh tế Việt-Lào đầy ý nghĩa tại Lào diễn ra từ ngày 23-25/10/2024. Theo đó, TLSQ sẽ tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào; bên cạnh việc tổ chức lễ mít tinh nhằm hưởng ứng Năm Du lịch Lào 2024. TLSQ còn phối hợp với 8 tỉnh Bắc Lào và 4 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An tổ chức Hội chợ thương mại, du lịch Việt Nam-Lào để thúc đẩy giao lưu văn hoá, hợp tác du lịch, phát triển kinh tế xã hội giữa hai bên. Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản, Chủ tịch Xu pha nu vông, tri ân các anh hùng liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và Chuyên gia Việt Nam tại Lào…
Nhân sự kiện này, TLSQ tại Luông-pha-bang đã trân trọng kính mời đại diện lãnh đạo VACOD tham gia các sự kiện tại Lào và ưu tiên mời 5 doanh nghiệp Việt Nam tham gia 5 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Việt Nam tại Hội chợ thương mại, du lịch Việt Nam – Lào tại tỉnh Xiêng Khoảng. Mọi chi phí bố trí gian hàng của doanh nghiệp sẽ được Tổng Lãnh sự hỗ trợ hoàn toàn, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần mang sản phẩm sang giới thiệu tại hội chợ. Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sự kiện một cách thuận lợi nhất, VACOD sẽ liên hệ với Công ty Điện lực và các Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên sắp xếp phương tiện di chuyển qua cửa khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.
Trước đề nghị của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang, Chủ tịch Sơn giao nhiệm vụ cho văn phòng VACOD thông báo đến các doanh nghiệp sớm đăng ký tham gia chuỗi sự kiện tổ chức tại Điện Biên từ ngày 17-19/10. Trên cơ sở đó lựa chọn 5 doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ, ngành hàng tiêu dùng… tham gia gian hàng triển lãm tại Xiêng Khoảng.
Tháng 10 bận rộn cũng không thể bỏ qua sự kiện của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024) và 20 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên (27/10/2004 - 27/10/2024). Chương trình diễn ra vào ngày 1-2/10 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên. Lãnh đạo VACOD-HBA đã nhận được lời mời tham dự chương trình và khuyến khích các doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA có thể đăng ký tham gia chuỗi sự kiện nhằm tăng cường trao đổi, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp.
CỘNG HƯỞNG SỨC MẠNH ĐỂ TẤT CẢ CÙNG THẮNG
Trong khuôn khổ Chương trình “Bữa sáng Doanh nhân”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ một số nội dung quan trọng liên quan loạt chính sách có lợi cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại qua biên giới cùng hoạt động bán lẻ hàng hóa mà Bộ Công Thương và Vụ Thị trường trong nước đang tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới.
Ông Tuấn cho biết, hiện Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng một số chính sách liên quan đến giao dịch hàng hóa phái sinh, hoạt động của các sở giao dịch hàng hóa. Ông nêu rõ sở giao dịch hàng hóa là đỉnh cao của nền kinh tế thị trường với sự kết hợp của xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, lĩnh vực tài chính ngân hàng. Những chính sách cần được xây dựng nhằm đảm bảo tính minh bạch, phù hợp với giá cả thị trường. Ông Tuấn rất mong nhận được sự ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các cơ quan, các chuyên gia và sự hỗ trợ thực tiễn của hai hiệp hội VACOD-HBA nhằm giúp Bộ Công Thương xây dựng được những quy định liên quan đến các hoạt động của các sở giao dịch hàng hóa một cách đồng bộ, hiệu quả.
Ông Tuấn đề cập việc Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam, đây là nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển thương mại trong nước. Qua đó, đơn vị quản lý có thể nhận biết những cơ hội, thách thức và xu hướng của thị trường bán lẻ trong thời gian tới. Ông Tuấn bày tỏ, hiện tại Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình hoàn thiện những thể chế này nên rất mong lãnh đạo hai hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để những chính sách khi ban hành ra có tính khả thi cao, hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
Hiện lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam đang có một số vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất là xu hướng chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng thương mại và hoạt động của các sàn thương mại điện tử. Vấn đề đặt ra là câu chuyện kết nối giữa các loại hình thương mại truyền thống và thương mại điện tử để đảm bảo tính đồng bộ, đem lại hiệu quả cao. Thứ hai, vấn đề về chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực bán lẻ nhằm quản lý chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Đây là vấn đề Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm, sẽ lên kế hoạch tổ chức các chương trình toạ đàm, hội thảo trong thời gian tới để các bên có thể tham dự và cho những ý kiến đóng góp cho cơ quan soạn thảo chính sách hiệu quả. Vấn đề thứ ba mà Bộ Công thương rất quan tâm và đang tổ chức triển khai là khái niệm phát triển bền vững trong ngành bán lẻ. Bộ cũng đang hoàn thiện bộ tiêu chí, bộ chỉ số để phát triển bền vững ngành bán lẻ dựa trên những giá trị kinh tế - xã hội.
Vụ phó Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ Công Thương sẽ không chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, lợi nhuận mà sẽ coi trọng hơn những tiêu chí phát triển bền vững mang tính bảo chứng cho doanh nghiệp hoạt động ngành hàng bán lẻ như vấn đề môi trường, chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực…”.
Liên quan chuỗi sự kiện của VACOD tổ chức tại Điện Biên đặc biệt là Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cũng cập nhật thêm một số thông tin về sự tham gia của Bộ Công Thương. Theo ông, Bộ Công Thương luôn chủ trương thực hiện kết nối hạ tầng, kết nối thương mại giữa Việt Nam và Lào từ nhiều năm nay. Tuy nhiên ông Tuấn cũng nhấn mạnh, bên cạnh những chủ trương, chính sách Bộ Công Thương hỗ trợ, thì chính tỉnh Điện Biên và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần chủ động lên kế hoạch thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Trong khuôn khổ Hội nghị sắp tới do VACOD chủ trì, phía Bộ Công Thương sẽ chia sẻ, định hướng, khơi gợi một số tiềm năng phát triển kinh tế giữa Điện Biên và Lào qua khu vực cửa khẩu. Đại diện Bộ Công Thương cũng gửi gắm hy vọng, sau sự kiện các doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA nhìn thấy những cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh hiệu quả.
Cũng trong khuôn khổ chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn trình bày một số nội dung cơ chế, chính sách sách nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch Việt Nam trong đó có tỉnh Điện Biên thời gian tới. Theo đánh giá của lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc kích cầu các hoạt động mua sắm thương mại gắn liền với du lịch là một cách nhìn khác của hoạt động xuất khẩu tại chỗ thu ngoại tệ đối với lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng cao.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Viện triển khai xây dựng, đơn vị cũng đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với ngành du lịch trong việc xây dựng các trung tâm hội nghị, sự kiện, trung tâm mua sắm hiện đại nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch mua sắm phát triển tạo tiền đề cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Tuấn nhấn mạnh, du lịch chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại. Nhiều quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore đã tận dụng thành công lợi thế này và đạt được những kết quả đáng kể với mục tiêu du khách chi tiêu càng nhiều càng tốt. Nhiều năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng đều 30%/năm, Việt Nam nằm trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng ngành du lịch nhanh nhất trên thế giới. Mục tiêu lớn thời gian tới là Việt Nam sẽ nằm trong Top 30 quốc gia có công nghiệp du lịch phát triển nhất thế giới.
Về những điểm mạnh để phát triển du lịch Việt Nam, ông Tuấn chỉ ra loạt tiềm năng đem lại lợi thế lớn chưa được khai thác triệt để. Nếu tập trung đầu tư, định hướng phát triển ngành du lịch cao cấp một cách đồng bộ hơn từ trung ương xuống từng địa phương thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kéo theo đó là hoạt động dịch vụ, thương mại cũng có sức bật trong thời kỳ còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần nắm bắt thời điểm “vàng”, chu kỳ đang lên của ngành du lịch Việt Nam, thúc đẩy lợi ích cho cả ngành du lịch và ngành công thương.
Nói về chuỗi sự kiện tại Điện Biên của VACOD tổ chức trong tháng 10 sắp tới, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch nhìn nhận, sự kiện được hai hiệp hội tổ chức đúng vào năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là thời điểm vô cùng ý nghĩa đối với tỉnh Điện Biên và cả nước. Đây là hành động rất cụ thể hướng về vùng đất lịch sử.
Đánh giá về những tiềm năng phát triển du lịch của Điện Biên, ông Tuấn đề cập đến những di tích lịch sử, di sản đã khẳng định được thương hiệu của Điện Biên trong xuống gần một thế kỷ qua. Bên cạnh đó, tỉnh còn có rất tiềm năng lớn khác như nằm trong top 10 địa phương có diện tích lớn nhất cả nước. Điện Biên còn có đặc thù nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc nhưng chưa được khai thác nhiều trên lĩnh vực du lịch. Nếu phát huy được tiềm năng về vị trí địa lý đặc thù, Điện Biên sẽ có cơ hội phát triển rất lớn trở thành trọng điểm du lịch phát triển của các vùng.
Hiện trong đề án phát triển du lịch của Viện nghiên cứu, Điện Biên nằm trong 7 khu động lực phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề về nhân lực đang là “điểm nghẽn” chưa được khơi thông để ngành du lịch trong tỉnh có đà bứt phá. Lúc này vai trò của doanh nghiệp đang rất quan trọng, Điện Biên đang rất cần những doanh nghiệp tích cực đầu tư một cách bài bản, gây dựng nền móng vững chắc. Ngay trong Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 sắp tới, đại diện Viện nghiên cứu phát triển du lịch sẽ trình bày nội dung tham luận về việc đưa Điện Biên trở thành “Công viên lịch sử” nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử chỉ riêng Điện Biên mới có.
Định hướng du lịch Điện Biên trong thời gian tới có thể kết hợp với các điểm du lịch hấp dẫn xuyên biên giới Việt Nam – Lào - Trung Quốc gắn liền các tour di sản của các nước như tham quan Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng, cố đô Luông-pha-bang (Lào), các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Để làm tốt điều đó, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng giao thông nhằm hoàn thiện, đồng bộ hóa. Đặc biệt cần nâng tầm quan trọng của đường hàng không và đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù Cảng hàng không quốc tế đối với Sân bay Điện Biên.
Ngay sau phần phát biểu của Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước và Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn đã có một số ý kiến đóng góp, trao đổi thông tin. Về thể chế quản lý hoạt động sở giao dịch hàng hóa, ông Sơn cho rằng việc quản lý về giá một số loại hàng hóa trên sở giao dịch hàng hóa cần được đẩy mạnh từ lâu, đặc biệt là với những mặt hàng trọng yếu mang tính chi phối nền kinh tế chung của đất nước. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ, sản xuất cần tích cực đóng góp khi Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến xây dựng thể chế.
Liên quan hoạt động quản lý chuỗi bán lẻ trong nước, TS. Nguyễn Hồng Sơn nêu bật sự cần thiết đối với việc xây dựng chiến lược phát triển ngành bán lẻ. “VACOD sẵn sàng chủ trì và tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên sâu, tạo diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về vấn đề này. Các hoạt động đó cần được triển khai dựa trên sự giao nhiệm vụ chính thức của Bộ Công Thương”, Chủ tịch VACOD-HBA nêu quan điểm.
Trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn về lĩnh vực du lịch, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề xuất một số kiến nghị: Thứ nhất, về hạ tầng du lịch của Việt Nam chưa phát triển đồng bộ, kịp thời so với nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Điểm chung ở hai nội dung chia sẻ của ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn đều hướng đến sự phát triển thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước gắn liền với các hoạt động ngành nghề khác, điển hình là ngành du lịch. Do vậy, Chủ tịch Sơn đề nghị hai ông Tuấn đại diện hai cơ quan thuộc lĩnh vực du lịch và công thương cùng ngồi lại với nhau, cùng suy nghĩ, soạn thảo cơ chế, chính sách phát triển mang tính phối hợp nhằm tham mưu cho cơ quan cấp trên là Bộ Công Thương và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm gắn kết với nhau, nhằm đưa ra những giải pháp chiến lược phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng của cả hai ngành, mục tiêu nhằm cộng hưởng sức mạnh để cùng thắng.
Chủ tịch Sơn đánh giá, hiện nay việc tổ chức các trung tâm thương mại nhằm mục đích bán lẻ hàng hóa chưa trở thành điều kiện bắt buộc để phát triển chuỗi hoạt động du lịch lữ hành. Thực tế bên cạnh các hoạt động lưu trú, ẩm thực, hoạt động di chuyển… thì doanh nghiệp còn phải đảm bảo chất lượng các dịch vụ đi kèm như hoạt động mua sắm, du lịch mua sắm. Điều đáng nói, hiện nay hoạt động này mới được cá nhân các hướng dẫn viên du lịch khai thác triệt để để ăn chia “hoa hồng” với các trung tâm mua sắm được họ “lái” khách đến chứ doanh nghiệp lữ hành chưa thực sự quan tâm. Chính sự quá đà của hoạt động thương mại tự phát đã tạo nên những ấn tượng xấu trong mắt khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài đến Việt Nam.
Do đó, ông Sơn kiến nghị, việc xây dựng các trung tâm thương mại bán lẻ sản phẩm tại các điểm du lịch cần trở thành điều kiện bắt buộc đối với các dự án phát triển du lịch nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch đi cùng thương mại, góp phần phát triển hoạt động du lịch theo chuỗi giá trị. Hoạt động thương mại gắn liền với du lịch đòi hỏi một cơ chế quản lý chặt chẽ, không thể tự phát. Các hoạt động này cần phải được kết nối chặt chẽ với hoạt động của doanh nghiệp lữ hành để đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự đồng bộ trong dịch vụ, phục vụ du khách.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng gợi ý ngành du lịch nên tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hướng đến đối tượng khách du lịch doanh nhân, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này. Rất nhiều đoàn doanh nhân Việt Nam sang nước ngoài công tác rất mong muốn được tiếp cận với các đối tác doanh nhân quốc gia sở tại cũng như các doanh nhân Việt đang làm ăn, kinh doanh tại đây nhưng không phải việc đơn giản. Ông Sơn nhấn mạnh, đây là thị trường ngách của ngành du lịch nhưng chưa được nhiều công ty lữ hành quan tâm. Hơn ai hết, chính các doanh nghiệp lữ hành cần phát huy năng lực nắm bắt cơ hội, phát huy vai trò kết nối giữa đối tượng du khách là doanh nhân với các Đại sứ quán, cơ quan Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước sở tại để hỗ trợ các đoàn công tác doanh nhân làm việc, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương.
Việc xây dựng mạng lưới kết nối với các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của thị trường du lịch toàn cầu. Theo Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, nội dung này cần được đưa vào chương trình chỉ đạo của Cục Du lịch một cách nhanh chóng để các cơ quan thương vụ, đại sứ quán có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Qua trải nghiệm thực tế bản thân, Chủ tịch Sơn còn đưa ra một gợi ý rất thú vị nhằm phát triển du lịch Điện Biên. “Cá nhân tôi đã từng đến tham quan địa điểm diễn ra trận chiến nổi tiếng Waterloo bên châu Âu. Họ cũng không đầu tư nhiều nhặn gì nhưng nhờ biết cách quảng bá, khai thác du lịch nên hàng năm địa danh liên quan trận đánh của hoàng đế Napoleon thu hút được rất nhiều khách đến tham quan. Tôi nghĩ trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu của Việt Nam còn nổi tiếng hơn. Nếu ta biết cách làm sẽ thành công không kém. Vì thế, tôi sẽ nêu vấn đề này trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị ở Điện Biên”, ông Sơn quả quyết.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ chế để sớm nâng cấp sân bay Điện Biên thành sân bay quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển du lịch.
HÀNH TRÌNH KẾT NỐI VÀ HỢP TÁC TẠI XỨ BẠCH DƯƠNG
Sau chuỗi sự kiện quan trọng tháng 10, HBA sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Cụ thể, thực hiện kế hoạch làm việc giữa HBA và Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) hồi tháng 4, phía Nga đã chính thức mời HBA cùng đoàn đại biểu UBND thành phố Hà Nội sang tham dự Diễn đàn Mùa thu của khối BRICS tổ chức tại Saint Petersburg vào 2 ngày 21-22/11.
Để chuyến công tác diễn ra thành công tốt đẹp, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn mong nhận được sự hỗ trợ từ Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, ông Dương Hoàng Minh. Ông Minh với kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về thị trường Nga sẽ là cầu nối quan trọng để đoàn công tác đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt trong thời gian đoàn lưu trú, làm việc tại hai thành phố Saint Petersburg và Moskva.
Mới đây, lãnh đạo HBA đã có cuộc làm việc trực tiếp với Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga ngài Kalganov Vyacheslav Gennadievich và đi đến kết luận chi tiết một số chương trình làm việc của đoàn tại Saint Petersburg. Cụ thể, ngoài thời gian đoàn công tác tham gia Diễn đàn làm việc của khối kinh tế BRICS, đoàn sẽ làm việc với Ủy ban Đối ngoại, Phòng Thương mại và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg - “thủ đô phương Bắc” của nước Nga. Trong quá trình làm việc, VACOD-HBA sẽ ký kết hợp tác với Ủy ban Đối ngoại và Phòng Thương mại Saint Petersburg.
Đặc biệt, đoàn công tác có chương trình đến tham quan trường đại học lớn nhất Saint Petersburg, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Nga từng theo học. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, trường đại học này thuộc sở hữu của một doanh nhân tỷ phú nổi tiếng của Nga. Đây là cơ hội quý báu để hai hiệp hội có cơ hội kết nối trong lĩnh vực đào tạo, quản trị kinh doanh nhằm chia sẻ kinh nghiệm đến các doanh nhân Việt Nam.
Phần hai của chuyến công tác sẽ diễn ra tại Moskva. Sau khi kết thúc chuỗi sự kiện tại Saint Petersburg, với sự hỗ trợ của Tham tán Dương Hoàng Minh, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ có chương trình làm việc tại Moskva với Thương Vụ Việt Nam, Phòng Thương mại cùng các Doanh nghiệp Moskva và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Moskva, gặp gỡ cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây.
Quan trọng hơn hết, với nhiệm vụ tiên phong nhằm xúc tiến thị trường kinh tế, đoàn công tác cũng sẽ tập trung tham quan, tìm hiểu một số nơi tổ chức hoạt động kinh doanh như siêu thị, cơ sở bán buôn bán lẻ, chợ người Việt… Để thuận tiện cho chuỗi sự kiện dài ngày tại hai thành phố lớn của Nga, đầu mối hoạt động của HBA tại Nga sẽ chủ động sắp xếp, kết nối và hỗ trợ một cách chu đáo nhất khi đoàn công tác sang Nga.
Với chuỗi sự kiện hấp dẫn, mang tính kết nối quốc tế, thực sự đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp hội viên của hai hiệp hội có cơ hội xúc tiến hoạt động kinh tế, mở rộng sang thị trường Nga, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khuyến khích các doanh nghiệp có nguyện vọng sớm đăng ký tham gia cùng đoàn công tác. Tuy nhiên, Chủ tịch Sơn cũng lưu ý nhằm đảm bảo hiệu quả công việc nên sẽ chỉ giới hạn mức từ 10-20 doanh nghiệp sớm đăng ký tham gia chuyến công tác. Trên cơ sở đó, phía Nga cũng có kế hoạch giới thiệu những đối tác phù hợp trong các lĩnh vực hoạt động tương xứng, phù hợp với đại diện phía Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc.
Chủ tịch Sơn thông báo, chương trình công tác tại Nga có khá nhiều sự kiện quan trọng. Dự kiến đoàn công tác sẽ khởi hành tại Hà Nội từ ngày 17 hoặc 18/11 và trở về vào ngày 28/11.
Lần đầu tham dự chương trình“Bữa sáng Doanh nhân” do Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn chủ trì, Tham tán Dương Hoàng Minh đánh giá đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với cả cơ quản lý Nhà nước, lãnh đạo hiệp hội và các doanh nghiệp. Nhờ đó có thể chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, đưa ra những quyết sách phù hợp. Với nhiều năm sinh sống và làm việc tại “xứ sở bạch dương”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga đã mang đến buổi tọa đàm những chia sẻ sâu sắc và cập nhật về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước này. Những thông tin ông Minh cung cấp đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự.
Cập nhật tình hình kinh tế nước Nga, Tham tán Dương Hoàng Minh cho biết, mặc dù phải đối mặt với số lượng lệnh cấm vận lớn “chưa từng có tiền lệ” nhưng kinh tế nước Nga vẫn tăng trưởng liên tục, năm 2023 tăng 3,6% và trong 7 tháng đầu năm 2024 mức tăng trưởng của nền kinh tế đã đạt 4,4%. Đầu năm nay, Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng công bố nền kinh tế Nga đứng thứ 4 trên thế giới tính theo ngang bằng sức mua (PPP) kể từ năm 2021. Theo đánh giá của ông Dương Hoàng Minh, ngành nông nghiệp với sản lượng ngũ cốc đứng đầu thế giới đang là “điểm sáng” trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Nga. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu thịt lợn tương đối lớn của Nga. Bên cạnh đó, việc triển khai mạnh hoạt động đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế của cường quốc này. Những yếu tố về kinh tế, an sinh xã hội phát triển cũng góp phần ổn định nền chính trị nội bộ của Nga.
Về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Liên bang Nga được Thương vụ Việt Nam đánh giá, lĩnh vực hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn đang trên đà tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2024 tăng trên 50% với các mặt hàng chủ lực như dệt may, cà phê, thủy sản,… Trên cơ sở mức tăng trưởng mạnh đã đạt được, ông Dương Hoàng Minh tham vấn các doanh nghiệp đang có kế hoạch hướng đến thị trường Nga cần quan tâm đến các mặt hàng chế biến sâu, có thương hiệu cao mang bản sắc riêng biệt thay vì tập trung quá nhiều vào sản phẩm nguyên liệu thô. Việc xuất khẩu nguyên liệu thô cũng làm giảm giá trị lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu so với các doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu riêng tại thị trường Nga. Ông lấy dẫn chứng, Việt Nam tiếng là cường quốc về cà phê nhưng hàng năm chỉ xuất khẩu được khoảng 200 triệu USD sang Nga. Trong khi đó hãng Nestle nhập cà phê thô của Việt Nam về chế biến thành các sản phẩm cà phê cao cấp bán được hơn 1 tỷ USD ngay tại thị trường Nga…
“Việc xây dựng thương hiệu riêng tại thị trường Nga có thể sẽ mất nhiều thời gian nhưng đó mới là giá trị phát triển bền vững. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể phát triển hình thức công ty con theo đúng mô hình quốc tế. Thị trường Nga rất tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu chiếm thị phần riêng”, Tham tán Dương Hoàng Minh đưa ra định hướng. Theo ông Minh, sự phát triển bùng nổ của các nhà hàng Việt Nam tại Nga đang tạo ra một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi nhà hàng và xây dựng thương hiệu. Thành công ban đầu sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như trà, cà phê, đồ uống, hàng nông sản…
Ông Minh gợi ý các doanh nghiệp Việt cần phải nhanh nhạy chớp thời cơ tại thị trường Nga giống như các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…”Bị Mỹ và phương Tây trừng phạt, cấm vận nên Nga đẩy mạnh thương mại sang hướng đông, trong đó có ASEAN. Hiện nay các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhanh chân “nhảy vào” thế chỗ thị phần các hãng xe của Đức khá thành công. Hiện nhiều nước đã mở lại đường bay thẳng đến các thành phố lớn của Nga. Các tuyến vận tải đường biển cũng thuận lợi”, ông Minh nói.
Ông Minh khẳng định, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt sang Nga tham dự các triển lãm, hội chợ sản phẩm tại Nga nhằm quảng bá các sản phẩm mang bản sắc riêng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nga – Việt Nam cùng hợp tác phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có động lực đầu tư sang thị trường Nga tạo nên tiền đề vững mạnh cho việc phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tham tán Dương Hoàng Minh cũng bày tỏ mong muốn chuyến công tác của HBA tới Nga vào tháng 11 sẽ là bước khởi đầu quan trọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ông hy vọng chuyến đi này sẽ trở thành một cầu nối vững chắc, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, không chỉ trong HBA mà còn cả những doanh nghiệp khác, đến với thị trường Nga.
Thay mặt Ban lãnh đạo hai hiệp hội VACOD-HBA, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn Tham tán Dương Hoàng Minh về những chia sẻ rất giá trị về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của Nga, đặc biệt là những thông tin hữu ích phục vụ cho chuyến đi xúc tiến sắp tới của đoàn công tác HBA. Chính những thông tin ông Minh cung cấp cũng tạo động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện các chương trình xúc tiến, trao đổi với đối tác Nga. Chủ tịch VACOD-HBA cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đối với hoạt động của đoàn công tác sắp tới.
Một số hình ảnh ghi nhận tại chương trình: