Tham dự Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 13/4 có ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng; bà Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban Khoa học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội; ông Trương Vũ Bằng Giang, Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư - ĐHQG Hà Nội; Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Chủ tịch Trung tâm châu Âu – châu Á thuộc Liên minh châu Âu, Tổng giám đốc VinFast Ấn Độ; Về phía lãnh đạo VACOD-HBA ngoài TS Nguyễn Hồng Sơn - người đứng đầu hai Hiệp hội, còn có bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch thường trực VACOD; ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch VACOD, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA cùng sự góp mặt của đông đảo các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD-HBA...
Chia sẻ với các doanh nhân tại chương trình, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, vào tối ngày 10/4, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA đã buổi tiếp đón ông Kalganov Vyacheslav Gennadievich, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga.
Theo đó, buổi gặp gỡ nhằm mục đích tăng cường kết nối cộng đồng doanh nhân hai nước Việt-Nga. Thông qua kênh đối ngoại, sẽ tạo cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Liên bang Nga nói chung cũng như thành phố Saint Petersburg nói riêng.
Chủ tịch VACOD-HBA bật mí, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác, ông Kalganov đã có lời mời lãnh đạo và doanh nhân Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA tham gia Diễn đàn kinh tế tại thành phố Saint Petersburg vào tháng 11/2024.
TS. Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm, ngoài thành phố Saint Petersburg, các hoạt động khảo sát thị trường sẽ được triển khai tại thủ đô Moscow. HBA sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Saint Petersburg để xây dựng kế hoạch chi tiết cho các đoàn khảo sát, đảm bảo hiệu quả hợp tác và thu thập thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.
"Trước những khó khăn, thách thức hiện tại, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường quan tâm đến thị trường Liên bang Nga. Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống và hữu nghị lâu đời với Nga, đây là cơ sở để chúng ta khai thác thị trường mới cho doanh nghiệp của mình”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông báo, Hội nghị Ban chấp hành đầu tiên năm 2024 của VACOD-HBA sẽ diễn ra từ ngày 11-13/5, được tổ chức tại khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (dự án Ivory Villas & Resort – vị trí xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) do Công ty Cổ phần Archi ReenCo Hoà Bình, thuộc Tập đoàn Việt Mỹ làm chủ đầu tư.
Nhân dịp Hội nghị Ban chấp hành VACOD-HBA, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA tổ chức Hội thảo trao đổi về tác động của các bộ Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở đối với hoạt động của doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Theo ông Sơn, hội thảo dự kiến sẽ thu hút gần 200 đại biểu trên toàn quốc tham dự, trong đó chủ đạo bao gồm các doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước cùng sự hiện diện của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Tại hội thảo lần này, dự kiến sẽ có tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả uy tín từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều chuyên gia cao cấp khác”, người đứng đầu VACOD-HBA thông tin thêm.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở mới có nhiều thay đổi quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Do vậy, việc tổ chức Hội thảo này nhằm giúp cho doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời những quy định mới của pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản".
Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị Ban chấp hành hai Hiệp hội VACOD-HBA và hội thảo về tác động của 3 bộ luật vừa được Quốc hội thông qua đối với thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Hồng Sơn đề nghị văn phòng hai Hiệp hội và Tạp chí Thương gia khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị về mọi mặt, làm việc với các cơ quan hữu quan, nhà quản lý, chuyên gia ở Trung ương, tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Việt Mỹ nhằm truyền thông và tổ chức chương trình một cách chu toàn, hiệu quả nhất.
Tập đoàn Việt Mỹ được hình thành và phát triển từ các Công ty hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu từ năm 1989 để kết nối thị trường Việt Nam với với thị trường Nga và các nước xã hội chủ nghĩa.
Công ty còn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề dịch vụ về logistic, nhập khẩu, phân phối, sản xuất các thiết bị điện gia dụng, thiết bị y tế công nghệ cao và đầu tư kinh doanh Bất động sản…
Trên cơ sở sức mạnh của các đơn vị thành viên, Công ty phát triển thành một tập đoàn đa ngành, cung cấp cho khách hàng dịch vụ cao cấp về: Bất động sản, Resort, condotel, khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng, sản xuất đồ điện gia dụng, y tế công nghệ cao, xử lý rác thải môi trường, và các dịch vụ thương mại khác.
HỢP TÁC "HAI CHIỀU" VỚI DOANH NGHIỆP
Phát biểu tại chương trình "Bữa sáng Doanh nhân", ông Trương Vũ Bằng Giang, Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư - ĐHQG Hà Nội cho rằng, hoạt động xúc tiến đầu tư của đại học có điểm khác biệt so với các ban, bộ, ngành và địa phương. Sự khác biệt này thể hiện ở tính "hai chiều".
“Thông thường, hoạt động xúc tiến đầu tư ở địa phương thường tập trung thu hút doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn lực lớn nhất của một trường đại học lại là tri thức và trí tuệ”, ông Giang nói.
Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, ĐHQG Hà Nội sở hữu nguồn tài sản trí tuệ vô cùng quý giá, được tích lũy từ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ.
Trưởng Ban Xúc tiến đầu tư - ĐHQG Hà Nội cho biết, tính "hai chiều" hoạt động xúc tiến đầu tư của đại học được thể hiện, thứ nhất là kết nối và thu hút sự tham gia của doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội để đầu tư vào cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo ra nguồn lực đa dạng cho trường đại học. Thứ hai chia sẻ nguồn tài sản trí tuệ quý giá của trường đại học để hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội, ban, bộ, ngành và các tổ chức khác trong các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
“Sứ mệnh của ĐHQG Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ đời sống. Chính vì vậy, ĐHQG Hà Nội rất cần sự đồng hành của các đối tác doanh nghiệp, doanh nhân để hoàn thành sứ mệnh này”, ông Giang chia sẻ thêm.
Ông Trương Vũ Bằng Giang mong muốn, các doanh nghiệp, đối tác tiếp tục quan tâm, hợp tác với ĐHQG Hà Nội không chỉ trong tài trợ mà còn hỗ trợ đào tạo, xây dựng môi trường thực hành thực tập cho sinh viên, nghiên cứu chuyển giao giúp ĐHQG Hà Nội phát triển nhiều ngành kỹ thuật - công nghệ mới gắn với phát triển của doanh nghiệp.
Khu đô thị ĐHQG Hà Nội được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung của nguồn lực trí thức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc, toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. ĐHQG Hà Nội được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP).