Giá vàng giao ngay ngày 9/6 tăng 1,3% lên 1.965 USD mỗi ounce. Hợp đồng vàng Mỹ tăng 1,1% lên 1.980 USD. Số lượng người Mỹ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động đang giảm tốc trong bối cảnh rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng.
"Dữ liệu này cho thấy sự suy yếu tiếp tục trong nền kinh tế Mỹ. Đây là tin vui đối với vàng vì điều đó sẽ cho phép Fed tạm ngừng tăng lãi suất", Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nói.
Sau dữ liệu về việc làm, đồng USD giảm xuống mức thấp gần một tuần so với các đối thủ cạnh tranh, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người giữ tiền tệ khác, trong khi tỷ suất trái phiếu Trésor 10 năm Mỹ giảm mạnh.
Hiện theo công cụ Fedwatch của CME, các nhà giao dịch thị trường tiền tệ hiện dự đoán khả năng cao khoảng 74% rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới. Lãi suất Mỹ thấp hơn tạo áp lực lên USD và tỷ suất trái phiếu, làm tăng sự hấp dẫn của kim loại mà không có lợi suất.
Báo cáo về lạm phát tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5, dự kiến công bố vào ngày 13 tháng 6, có thể cung cấp thêm sự rõ ràng về tình hình kinh tế của quốc gia lớn nhất thế giới.
"Có rất nhiều sự không chắc chắn và bạn có thể thấy điều đó trong giá vàng, nếu tỷ suất thực sự bắt đầu giảm xuống đây, thì vàng có thể tăng mạnh", Daniel Pavilonis, chiến lược giá thị trường cấp cao tại RJO Futures nói.
Các nhà phân tích cho biết thêm, có ba yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Trong đó, chính sách tiền tệ của Fed là yếu tố quan trọng nhất. Các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tuần tới. BlackRock cho rằng có khả năng lần tăng trong tháng 5 sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt này.
Với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trước các vấn đề địa chính trị cũng sẽ thúc đẩy vàng. Các chuyên gia cũng cho rằng, vai trò phòng ngừa lạm phát của vàng sẽ ít có tác động hơn tới hướng đi của kim loại quý này.
Giá vàng ở thị trường trong nước hôm nay cũng tăng nhẹ theo đà đi lên của giá vàng thế giới và duy trì quanh 67 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau: Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,02 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng/lượng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng PNJ đang mua vào ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67 triệu đồng/lượng. Vàng Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 66,42 triệu đồng/lượng mua vào và 66,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 55,95 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,45 triệu đồng/lượng ở chiều bán, tăng 150.000 đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Ở thị trường ngoại tê, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 23.320 - 23.660 VND; Vietinbank: 23.280 - 23.700 VND; BIDV: 23.340 - 23.640 VND.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng 9/6 đảo chiều tăng so với phiên hôm qua. Giá USD tự do ở mức 23.450 – 23.490 VND (mua vào - bán ra).
Như vậy, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (không bao gồm thuế, phí) là gần 11 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường dầu, giá dầu WTI giao dịch ở mức 71,65 USD/thùng, giảm 0,99 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 76,16 USD/thùng, giảm 1,23 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Tại cuộc họp của OPEC+ vào Chủ nhật, Ả rập Xê Út cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2023 dựa trên một thỏa thuận rộng lớn hơn nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024 khi nhóm sản xuất này tìm cách tăng giá.
Bên cạnh đó, OPEC+ đã đồng thuận gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô 3,66 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm 2024. Như vậy, tổng mức cắt giảm của nhóm OPEC+ trong tháng 7 có thể lên tới 4,66 triệu thùng/ngày, tương đương 4,57% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Tuy nhiên, lo ngại tăng trưởng kém tích cực tại 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đè nặng lên triển vọng tiêu thụ dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 6/6 cho hay sản lượng dầu thô Mỹ trong năm nay sẽ tăng nhanh hơn nhưng nhu cầu sẽ hạ nhiệt so với dự đoán trước đó.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 5 và nhập khẩu giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn, do các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước vẫn trì trệ.