VASEP đề xuất giải pháp cho xuất khẩu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển thủy sản của cả nước, song về xuất khẩu vùng này vẫn chưa bứt phá tương xứng với lợi thế của mình…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP)

Tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) đã có những góp ý nhằm thúc đẩy quá trình xuất khẩu thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát triển chưa tương xứng

Theo đó, Hiệp hội cho biết, đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt từ 12,5 tỷ USD đến 14 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh một số cơ hội, lợi thế, ngành thủy sản đã nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2023, xuất khẩu thủy sản đối mặt với tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp phải chịu chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công, đồng thời các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn từ các quy định về IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp).

Minh chứng cụ thể, theo số liệu của VASEP quý 1/2023 xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Với diễn tiến này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3/2023.

Trước diễn biến hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải tập trung triển khai các biện pháp như chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục, điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm

Đồng thời, doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

“Chúng ta nên tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng”, Tổng thư ký VASEP đề xuất.

Ông Trương Đình Hoè đánh giá,đối với ngành thủy sản, khu vực ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng khi tập trung nhiều vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thủy sản. Với cá tra, khu vực này đóng góp đến 90% kim ngạch xuất khẩu, còn ngành tôm tập trung ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau...

Ở mảng hải sản khai thác, tuy tỉ trọng đóng góp không lớn nhưng khu vực này cũng có những cảng cá có tiếng như Tắc Cậu, An Thới (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), Trần Đề (Sóc Trăng)... với nhiều loại hải sản ven bờ như mực, ghẹ, cá cơm và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý được châu Âu bảo hộ.

Đặc biệt, ĐBSCL là trung tâm sản xuất thủy sản của cả nước, cung ứng gần như toàn bộ nguyên liệu tôm, cá tra cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong cả nước, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ ba về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay có thể nói hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics, hệ thống sản xuất, dịch vụ phụ trợ của ĐBSCL phát triển chưa tương xứng.

Bên cạnh đó, ĐBSCL vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại, chưa có cảng biển đón tàu container cũng như hệ thống cung ứng và phân phối vật tư, nguyên liệu phải qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá thành sản xuất còn cao và khó cạnh tranh.

Đây là những trở ngại cơ bản để xuất khẩu thủy sản có thể bắt kịp với xu hướng hiện nay khi mà thị trường thế giới ngày càng quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, Hiệp hội khẳng định.

Đơn cử, các đối thủ của ngành tôm Việt Nam trên thế giới như Ecuador, Ấn Độ nhờ có vùng nuôi tập trung nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt chi phí nên đã cạnh tranh mạnh với tôm Việt Nam trong vài năm gần đây, dù trình độ chế biến tôm của Việt Nam cao hơn hẳn.

Giải pháp nâng tầm xuất khẩu ĐBSCL

Từ những khó khăn mà ĐBSCL đang gặp phải, để ngành xuất khẩu thủy sản của vùng cất cánh, đại diện VASEP, ông Trương Đình Hoè kiến nghị Chính phủ và địa phương các cấp một số nhóm vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, ĐBSCL cần duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu, đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng là giải pháp quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững.

VASEP đề xuất giải pháp cho xuất khẩu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, vùng nên khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào các trung tâm sản xuất giống bố mẹ, nâng cấp các trại sản xuất giống cung cấp cho khu vực. Đồng thời, quy hoạch chi tiết để phát triển các mô hình nuôi tôm độc đáo của ĐBSCL như tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái, tôm sú quảng canh...

“Tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động cung cấp giống cá tra ở ĐBSCL trong tất cả các công đoạn từ giống bố mẹ đến khâu phân phối cá giống nhằm tăng tỷ lệ nuôi thành công, hạ giá thành, chất lượng tốt. Quy hoạch và có chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, quy định những vùng nuôi, những loài hải sản được khai thác với kích cỡ nhất định, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở ĐBSCL”, Hiệp hội chỉ ra.

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, hạn điền, quy định sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Thứ hai, ĐBSCL cần đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, tiến tới xây dựng Cảng Cái Cui (Cần Thơ) trở thành cảng container chính của khu vực nhằm kịp thời giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển cho hàng hóa thủy sản xuất khẩu.

Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không một cách thuận tiện. Mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng hàng không để xuất khẩu những hàng hóa đặc thù, giá trị của ĐBSCL đi các nước.

Bên cạnh đó, phát triển các công ty dịch vụ logistics tích hợp, mạnh tại ĐBSCL, nhất là tại Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu phát triển xuất khẩu của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển cung cấp dịch vụ trực tiếp tại khu vực.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền nên khuyến khích đầu tư các cơ sở cung ứng và phân phối vật tư cho nghề nuôi thủy sản

Cuối cùng, ĐBSCL cần tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, trong đó các trung tâm nghiên cứu khoa học rất cần thiết.

Có thể bạn quan tâm