Chứng khoán Vietcap (VCSC) vừa công bố báo cáo triển vọng doanh nghiệp sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ).
Theo báo cáo, "ông lớn" bán lẻ trang sức đã mở rộng thị phần trong phân khúc trang sức trung cấp và cao cấp trong năm 2024. Doanh thu bán lẻ của PNJ ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ trên tất cả các khu vực, đặc biệt là miền Bắc, nơi có mức chi tiêu tiêu dùng cao nhờ vào tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường bán lẻ nói chung đang trong giai đoạn tiêu dùng yếu. Dù vậy, doanh thu bán lẻ vào ngày Vía Thần Tài và Lễ Tình nhân (14/2) đạt mức cao kỷ lục, lần lượt vượt các mức đỉnh trước đó của năm 2022 và 2023 từ hơn 10% đến hơn 20%.
Do gặp khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu, PNJ đã điều chỉnh danh mục sản phẩm bằng cách chuyển từ kinh doanh vàng miếng sang các mặt hàng có hàm lượng vàng thấp hơn nhưng mang lại biên lợi nhuận cao hơn (như đồng vàng). Điều này dẫn đến việc công ty không ghi nhận doanh thu từ vàng miếng vào Ngày Thần Tài năm nay.
Hiện tại, PNJ chưa công bố kế hoạch cụ thể cho năm 2025. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá sơ bộ, công ty dự kiến doanh thu thuần sẽ giảm do doanh thu từ vàng miếng thấp hơn so với cùng kỳ, trong khi công ty tập trung vào tối ưu hóa biên lợi nhuận. Cụ thể, PNJ đặt mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ tỷ trọng doanh thu bán lẻ trong tổng doanh thu tăng cao hơn.
Để đạt mục tiêu này, PNJ đã lên kế hoạch triển khai nhiều sáng kiến, bao gồm tối ưu hóa quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm, giới thiệu các dòng sản phẩm mới hiệu quả hơn và tiếp tục tập trung vào các mặt hàng trang sức có hàm lượng vàng thấp nhằm hạn chế tác động từ việc khan hiếm vàng nguyên liệu.
Về chi phí hoạt động, PNJ dự kiến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tương ứng với tốc độ mở rộng hệ thống cửa hàng. Công ty đặt mục tiêu mở từ 12 đến 25 cửa hàng mới trong năm nay, tùy thuộc vào ba kịch bản khác nhau trong kế hoạch năm 2025.
Trong kịch bản lạc quan nhất, chi tiêu tiêu dùng có thể bắt đầu phục hồi từ quý 3/2025 nhờ vào tác động tích cực từ các chính sách kích thích kinh tế. Nếu tình hình diễn ra ở mức trung bình, sự phục hồi có thể bị trì hoãn đến quý 4/2025. Trong trường hợp kém thuận lợi hơn, thị trường có thể mất nhiều thời gian hơn để cải thiện, với khả năng kéo dài đến cuối năm hoặc thậm chí muộn hơn.
Tính đến cuối năm 2024, PNJ vận hành 429 cửa hàng tại 58/63 tỉnh thành, bao gồm 421 cửa hàng PNJ, 4 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery và 1 Trung tâm Kinh doanh sỉ.
Từ cuối năm 2024, PNJ phải đối mặt với thách thức gia tăng trong việc tìm nguồn cung vàng nguyên liệu. Công ty kỳ vọng các chính sách quản lý thị trường vàng của Chính phủ sẽ có sự điều chỉnh, đặc biệt là Nghị định 24. Nếu quá trình sửa đổi bị trì hoãn, PNJ đã lên kế hoạch tăng cường tái chế trang sức, thu mua lại sản phẩm từ khách hàng và nhập khẩu trang sức nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.
Ngoài ra, PNJ đang mở rộng danh mục sản phẩm, trong đó chú trọng vào phân khúc trang sức nam. Kể từ khi ra mắt dòng sản phẩm "Mencode by PNJ" vào giữa quý 4/2024, công ty đã nhận được phản hồi tích cực từ nhóm khách hàng mục tiêu. PNJ đã ký kết hợp đồng với các đối tác chiến lược và dự kiến công bố chi tiết kế hoạch phát triển dòng sản phẩm này vào quý 2/2025.
Bên cạnh đó, PNJ vừa công bố nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 26/4 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP HCM. Tài liệu họp sẽ được công bố chậm nhất vào ngày 5/4.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ trong phiên giao dịch ngày 18/2 tạm dừng ở mức 93.600 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của "ông lớn" ngành trang sức bán lẻ này hiện đạt khoảng 31.630 tỷ đồng.