Chỉ trong vòng 2,5 tháng, cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản TKV (Vimico) đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc lên tới 570%, đạt mức giá 310.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức tăng giúp KSV trở thành một trong những cổ phiếu có giá trị cao nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Theo đó, từ mức giá 44.900 đồng/cổ phiếu (bắt đầu đà tăng trưởng liên tục của cổ phiếu KSV) vào ngày 27/11/2024, đến đầu phiên chiều ngày 16/2, giá cổ phiếu KSV đã chạm mốc 301.000 đồng/cổ phiếu. Đà tăng mạnh mẽ này đã đưa vốn hóa thị trường của Vimico lên 61.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, cổ phiếu KSV liên tục ghi nhận những phiên tăng trưởng ấn tượng, thậm chí nhiều phiên tăng kịch trần với mức cao nhất lên đến 10%.
Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu khoáng sản hiện nay nói chung và cổ phiếu KSV không chỉ nhờ vào sự phục hồi của ngành mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong thời gian qua.
Cùng với đó, các quyết định như điều tra và đánh giá trữ lượng khoáng sản đã tạo ra cơ hội mới, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tài nguyên và phát triển bền vững.
Ngoài ra, thông tin về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược sang Mỹ đã làm nóng thị trường. Động thái này được coi là phản ứng trả đũa sau những biện pháp hạn chế của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần gia tăng sức nóng đối với nhóm cổ phiếu khoáng sản trong bối cảnh hiện tại.
Hiện tại, Tập đoàn Khoáng sản TKV và các công ty con hiện đang sở hữu quyền khai thác tại nhiều mỏ khoáng sản quan trọng. Các mỏ này bao gồm mỏ: Đồng Sin Quyền, mỏ Vi kẽm tại Bát Xát (Lào Cai), mỏ Kẽm - Chì Chợ Điền (Bắc Kạn), mỏ Chì Lang Hít và mỏ Kẽm - Chì Cúc Đường (Thái Nguyên), cùng mỏ Sắt Nà Rụa tại Cao Bằng. Trong số đó, mỏ Đồng Sin Quyền nổi bật là mỏ đồng lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, Khoáng sản TKV được nhận định có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc quản lý và khai thác mỏ Đông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước. Mỏ này có diện tích gần 133 ha tại tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô lên đến hơn 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa tổng trữ lượng đất hiếm của Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4/2024 của Tổng Công ty Khoáng sản TKV, doanh thu thuần đạt 3.636 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong năm 2024, tổng công ty ghi nhận 13.251 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 7,5 lần, lên 1.229 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo KSV, nguyên nhân chính là sự gia tăng mạnh mẽ của giá bán các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là vàng, so với năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Khoáng sản TKV đạt 9.551 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 22,6%, đạt 2.826 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản. Đặc biệt, nhờ kết quả lợi nhuận tích cực, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đã tăng gấp 1,6 lần, đạt 467 tỷ đồng.
Về phía nợ vay, tổng công ty đã giảm 15% nợ vay tài chính trong năm 2024, còn 3.429 tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc giảm mạnh các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Vốn chủ sở hữu của TKV đạt 3.949 tỷ đồng, trong đó có 1.318 tỷ đồng là lợi nhuận chưa phân phối.

Theo nhận định từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), năm 2025, cổ phiếu KSV vẫn sở hữu nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ vào mức giá bán các sản phẩm chủ lực như đồng, vàng và bạc hiện đang duy trì ở mức cao hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tiềm năng khai thác thêm từ các mỏ đồng Sin Quyền và đất hiếm Đông Pao cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, TCBS cũng khuyến nghị, các nhà đầu tư theo dõi và chờ đợi cơ hội đầu tư khi giá cổ phiếu điều chỉnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thanh khoản của cổ phiếu này vẫn chưa cao.