Hợp nhất số liệu từ 31/3/2016!?
Tìm hiểu báo cáo tài chính quý 2/2017 của VHG, không khó để nhận ra nhiều điểm sai sót đến khó hiểu.
Cụ thể, trên thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, phần cơ sở hợp nhất báo cáo, VHG diễn giải: “Báo cáo tài chính hợp nhất bao gồm báo cáo tài chính của Công ty và báo cáo tài chính của các Công ty do Công ty kiểm soát (các công ty con) được lập cho đến ngày 31/3/2016”.
Vì sao VHG lại không có báo cáo tài chính cùng kỳ của các công ty con, mà lại phải sử dụng báo cáo của kỳ kế toán hơn 1 năm trước?
Trang 14, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 của VHG, phần thuyết minh về tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết lại chú thích dòng chữ: “Thuyết minh báo cáo tài chính cho kỳ tài chính kết thúc vào 31/3/2017”, dù các trang thuyết minh trước đó đều ghi là thuyết minh cho kỳ tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2017!?
Xem xét kỹ báo cáo quý 2 của VHG, có thể thấy sự bất nhất ở một loạt chỉ tiêu tài chính. Cụ thể, trên Bảng cân đối kế toán, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty, khoản mục Tiền và tương đương tiền đầu kỳ (tại thời điểm 31/12/2016) là 1,6 tỷ đồng, nhưng sang đến Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, con số này lại là 1,4 tỷ đồng.
Tương tự, chênh lệch phải thu cuối kỳ và đầu kỳ trên Bảng cân đối kế toán (là 166,6 tỷ đồng) cũng bị lệch so với số liệu tại chỉ tiêu Tăng, giảm các khoản phải thu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ (là 166,1 tỷ đồng).
Đối với hàng tồn kho, trên bảng cân đối kế toán, hàng tồn kho cuối quý 2 giảm 11,7 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016 (16,057 – 4,846 tỷ đồng), trong khi trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, số liệu này lại là chênh lệch tăng 21,4 tỷ đồng…
Phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã đem những thắc mắc trên tới một kiểm toán viên hành nghề, đồng thời cũng là đại diện một nhóm cổ đông của VHG, vị này cho rằng: “Để đưa ra kết luận kiểm toán một báo cáo tài chính có phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính trên các khía cạnh trọng yếu hay không thì cần phải thu thập được những bằng chứng kiểm toán phù hợp. Tuy nhiên, với một báo cáo tài chính có những bất nhất về số liệu, người đọc có quyền nghi ngờ về trình độ lập báo cáo tài chính cũng như mục đích của những người chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính”.
Kết quả kinh doanh bết bát, vì đâu?
Nhìn vào tên gọi của VHG, dễ hình dung đây là một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến cao su tự nhiên, nhưng thực tế lại khác. Trong tổng tài sản 1.492 tỷ đồng của VHG tính đến thời điểm 30/6/2017, có 1.300 tỷ đồng nằm ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Trong đó, VHG đầu tư lĩnh vực bất động sản thông qua góp vốn vào CTCP Phát triển Bất động sản Tây Hồ Tây hơn 700 tỷ đồng. Ngoài ra, VHG còn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, nhưng chủ yếu là mua bán trung gian thương mại phân bón với biên lợi nhuận không cao.
Quý II vừa qua, Công ty có doanh thu hợp nhất là… 0 đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 375 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 181 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lãi 3,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VHG tương ứng đạt 16 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2016 và âm 249 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7 tỷ đồng.
VHG cho biết, lợi nhuận quý 2/2017 sụt giảm mạnh do doanh thu tài chính giảm, trong khi chi phí tài chính lại tăng đột biến, từ 1,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên 95,5 tỷ đồng trong quý 2/2017.
Chi phí tài chính tăng là do Công ty ghi nhận lỗ từ chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Thủy sản Viễn Đông, CTCP Đầu tư Cao su miền Nam.
Thêm vào đó, do tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu khác khiến chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo biên bản và nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2017 của VHG, năm này, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 500 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2016; lợi nhuận hợp nhất dự kiến âm 200 tỷ đồng, tăng gần 7 lần so với số lỗ âm 30 tỷ đồng năm 2016. Cổ phiếu VHG đã bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 21/4/2017 do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm trong năm 2016.
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông VHG đã thông qua đề xuất về việc hủy niêm yết, chuyển sang sàn UPCoM. Tuy nhiên, sau đó, Công ty đã có thông báo về việc không đủ điều kiện hủy niêm yết do tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết của cổ đông không phải cổ đông lớn tham dự ĐHCĐ chỉ chiếm tỷ lệ 33,34% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, sau khi VHG công bố báo cáo tài chính quý 2 với nhiều điểm bất thường và cho thấy con số lỗ rất lớn, nhưng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này lại tăng đột biến trước đà bán sàn của cổ đông Công ty. Trung bình, mỗi phiên kể từ 19/7, có 4 triệu cổ phiếu này được khớp lệnh, thậm chí có phiên khớp tới hơn 13 triệu đơn vị.
Điều gì đang xảy ra tại VHG? Câu trả lời chờ sự lên tiếng của lãnh đạo Công ty.
Theo Ngọc Nhi/ ĐTCK
>> “Trái đắng” lên sàn và nỗi đau của nhà đầu tư