Vì đâu Vinatex muốn thoái vốn khỏi Len Việt Nam?

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, chiếm 67,15% vốn CTCP Len Việt Nam với phương thức cạnh tranh trong phạm vi 100 nhà đầu tư.
Vì đâu Vinatex muốn thoái vốn khỏi Len Việt Nam?

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV. Giá khởi điểm mà Vinatex đưa ra là 10.500 đồng/cp. Nếu bán được toàn bộ cổ phần trên, số tiền tập đoàn này thu về trên 28 tỷ đồng.

Tính đến 30/9, Vinatex sở hữu hệ thống 40 công ty con và 33 công ty liên kết. Trong đó, Vinatex nắm giữ 67,15% vốn Len Việt Nam với giá gốc 28,3 tỷ đồng và cũng đang trích lập dự phòng đúng 28,3 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Len Việt Nam được thành lập năm 1999 từ việc sáp nhập 3 nhà máy Len Biên Hòa, Dệt Chăn Len Bình Lợi và Len Vĩnh Thịnh. Công ty chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng sợi len, áo len, sản phẩm đan dệt… cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi EU, Nhật, Hong Kong, Canada... Thương hiệu nổi bật là mền Hai Con Cừu, sản phẩm đan dệt Len Việt và sợi len Kim Phượng.

Len Việt Nam đang trong tình trạng thua lỗ khi năm 2018 lỗ thêm 5 tỷ đồng và nâng lỗ lũy kế lên gần 50 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ hiện có 41 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm gần 9 tỷ đồng là nguyên nhân khiến Vinatex phải trích lập dự phòng hơn 28 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Năm 2019, Len Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt hơn 33,7 tỷ đồng, tăng hơn 29% so năm 2018. Trong đó mức tăng doanh thu dự kiến chủ yếu đến từ thanh lý hàng tồn kho, tài sản với mức tăng gần 7,4 tỷ đồng.

Len Việt Nam ước tính tổng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 chiếm đến 43 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2018. Đáng chú ý là Len Việt Nam vẫn đang duy trì chi phí hoạt động ở mức cao so với lợi nhuận gộp, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty phải báo lỗ liên tục từ năm 2016 đến nay.

Theo đó năm 2019, Len Việt Nam dự kiến lỗ gần 9,6 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ trong năm 2018.

Về Vinatex, tập đoàn này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Doanh thu quý III giảm 18% xuống 4.152 tỷ do thương chiến Mỹ Trung diễn biến phực tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến cả ngành nhất là các đơn vị sản xuất sợi. Theo đó, lợi nhuận cũng giảm 13% xuống 186 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, tập đoàn kinh tế này có doanh thu thuần giảm 6% còn 13.482 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 534 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của tập đoàn còn hơn 20.600 tỷ đồng, giảm 1.200 tỷ so với thời điểm đầu năm.

Xem thêm

Tập đoàn Dệt may Vinatex được chuyển giao về SCIC

Tập đoàn Dệt may Vinatex được chuyển giao về SCIC

Ngày 23/11, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC.

Có thể bạn quan tâm