Vì sao chưa đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?

Chính phủ đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, nhưng mục tiêu này khó đạt được do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19.
Vì sao chưa đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?

Các chính sách về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai…", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định tại Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP được tổ chức sáng 19/10, tại Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Tuy nhiên, một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 ví dụ như: mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tổng kết, đánh giá và xây dựng Báo cáo 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong quý IV năm 2020.

Để có được cơ sở hoàn thiện các dự thảo nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự góp ý, tham vấn của các đơn vị, địa phương, bộ ngành, chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp.

Tóm tắt cáo cáo tổng kết Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp chính sách - Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 thì tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17% trong khi tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%. Trong khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng, một phần do COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được hiệu quả. Về khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp 48-49% GDP cũng không thực hiện được.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân cũng tăng lên, nếu duy trì tốt thì trong giai đoạn tới có thể đạt được. Mục tiêu về đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến năm 2020 khu vực tư nhân Việt nam đóng góp khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đóng góp liên tục tăng, nhưng vẫn không đạt và thiếu 3 điểm phần trăm.

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung trao đổi, đóng góp ý kiến tập trung các vấn đề còn đang tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa chính sách và thực thi, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, đối với dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân tại sao 50% mục tiêu của Nghị quyết 35 chưa đạt được mặc dù theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương thì trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành; đồng thời đề xuất định hướng, giải pháp để có thể thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ý kiến tập trung vào một số vấn đề được nhận định còn đang vướng mắc trong quá trình triển khai vừa qua. Ví dụ như: các định mức hỗ trợ; cách thức, quy trình hỗ trợ; nội dung hỗ trợ trọng tâm (chuyển đổi hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo); một số chính sách chưa được triển khai (cấp bù lãi suất, ưu đãi thuế…), cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn kinh phí thực hiện.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó, gồm hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19; phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường kiên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, chuyên gia tư vấn, Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID-LinkSME) cũng cho rằng, sau 5 năm thì môi trường kinh doanh của Việt Nam có rất nhiều cải thiện. Với 5 nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết 35 thì đa phần các địa phương đều triển khai và đạt được. Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn có sự đột phá, mang tính chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất.

Do vậy, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tăng định mức hỗ trợ đối với đào tạo trực tiếp, bổ sung tỷ lệ hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; bổ sung quy định về đào tạo trực tuyến, đào tạo cho cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung quy định về cơ chế cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách tư vấn và mạng lưới tư vấn viên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...