Vì sao dự án BOT Hoà Lạc - Hoà Bình gần 3.000 tỷ đồng chậm tiến độ, cạn vốn, chưa nhận hết mặt bằng?

Theo hợp đồng BOT, dự án đường Hoà Lạc – Hoà Bình hoàn thành tháng 8/2016 tuy nhiên đến tháng 5/2017 một số vị trí vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Việc chậm tiến độ cũng khiến ngân hàng SHB
Vì sao dự án BOT Hoà Lạc - Hoà Bình gần 3.000 tỷ đồng chậm tiến độ, cạn vốn, chưa nhận hết mặt bằng?

Chậm tiến độ, tăng chi phí

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc - Hoà Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hoà Bình theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án được thực hiện bởi liên danh 3 đơn vị là Tổng công ty 36, CTCP Đầu tư và Thương mại Hà Nội và CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc. Doanh nghiệp dự án Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 – Hoà Lạc – Hoà Bình được thành lập theo Giấy chứng nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.989 tỷ đồng trong đó, chi phí xây dựng công trình và thiết bị là hơn 1.480 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 490 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường Hoà Lạc – Hoà Bình hoàn thành 31/8/2016 tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán 20/5/2017 dự án chưa hoàn thành. Việc dự án chậm tiến độ được chỉ ra do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, thậm chí đến thời điểm kiểm toán vẫn còn 1 số vị trí chưa bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư.

Báo cáo kiểm toán cho thấy, hầu hết các khoản chi phí như chi phí xây lắp và thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí quản lý dự án và các chi phí khác đều có sự chênh lệch trong đó chủ yếu là chi phí xây lắp và thiết bị với số chênh lệch hơn 28 tỷ đồng.

Tổng cộng chi phí đầu tư đã chênh đến gần 37,6 tỷ đồng vì số kiểm toán trước thuế VAT là 635 tỷ đồng trong khi số báo cáo trước thuế VAT lên đến hơn 1.390 tỷ đồng.

Hàng loạt tồn tại, hạn chế

Liên quan đến việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về việc chấp hành trình tự, thủ tục trong công tác lập dự án đầu tư, báo cáo cho rằng, dự án chưa phản ánh hết đầy đủ số lượng địa phương chịu ảnh hưởng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung. Chưa kiểm tra, rà soát các thủ tục pháp lý liên quan đến chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt dẫn đến không phát hiện vi phạm ảnh hưởng của dự án đối với phần diện tích đất do Bộ Quốc phòng quản lý để xin ý kiến nên phải tiến hành bổ sung thủ tục xin ý kiến trong quá trình thực hiện.

Về quản lý tổng mức đầu tư của dự án, chưa xác định phần giá trị đã thực hiện của dự án đường cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình theo hình thức BT nằm trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc Hoà Bình để làm cơ sở loại bỏ giá trị này trong tổng mức đầu tư.

Do đó, Bộ Giao thông đã đề nghị Geleximco cung cấp đầy đủ hồ sơ tuy nhiên Ban Quản lý dự án 2 cho biết, Geleximco chưa cung cấp số liệu do vậy chưa có cơ sở hồ sơ, số liệu để cập nhật vào tổng mức đầu tư.

Công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán cũng cho thấy, kết quả khảo sát chưa phản ánh đầy đủ, chính xác điều kiện địa hình và địa chất dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thi công: điều chỉnh biện pháp nổ mìn phá đá từ nổ lớn sang nổ nhỏ, điều chỉnh từ đá cấp 4 sang đá cấp 3 làm tăng giá trị dự toán 11 tỷ đồng, điều chỉnh hướng chuyển tuyến đoạn qua đèo Bụt làm tăng giá trị dự toán 104,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn tồn tại về sai khối lượng, đơn giá và một số sai khác làm tăng giá trị dự toán 65 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về Liên danh Haco – Vinaco, đơn vị thẩm tra thiết kế Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, đơn vị thẩm tra dự toán Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng, đơn vị thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán là Công ty TNHH Quốc lộ 6 Hoà Lạc Hoà Bình.

Khó khăn về vốn cũng khiến dự án chậm tiến độ, ngân hàng đã ngừng cấp tín dụng giải ngân các gói thầu xây lắp của dự án từ thời điểm tháng 9/2016 đến thời điểm kiểm toán vì hợp đồng BOT, thời điểm 31/8/2016 là thời điểm kết thúc quá trình xây dựng dự án, từ tháng 9/2016 dự án hoàn thành khai thác thu phí hoàn vốn toàn tuyến ở cả 2 trạm thu phí Xuân Mai – Hoà Bình và Hoà Lạc – Hoà Bình.

Kiểm toán cũng cho biết, nguồn vốn vay thương mại không đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng SHB và doanh nghiệp cho vay tối đa 1.999 tỷ đồng đạt 77,6% so với nhu cầu vốn vay trên phương án tài chính của Hợp đồng BOT.

Việc lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí cũng được chỉ ra với những tồn tại, hạn chế như chưa sát tình hình thực tế, số liệu thu phí giữa phiếu thu nộp tiền và số liệu in từ bộ phận giám sát hậu kiểm có sự chênh lệch…

Từ những tồn tại, hạn chế đã nêu, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Công ty BOT Quốc lộ 6 Hoà Lạc Hoà Bình điều chỉnh sổ kế toán phù hợp với kết luận của kiểm toán, kiến nghị xử lý số liệu tài chính giảm trừ quyết toán chi phí đầu tư hơn 12,9 tỷ đồng và xử lý khác 24,6 tỷ đồng.

Kiểm toán đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp khắc phục đối với những sai sót đồng thời xem xét, cho ý kiến về đề xuất của nhà đầu tư với việc xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng BOT.

Theo Nguyễn Thảo/ Bizlive

>> Vì sao các dự án BOT biến chất ?

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…