Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của VPBank, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đã thông tin với cổ đông về kế hoạch bán vốn tại FE Credit, mức giao bán tối đa là 49% (VPBank đang sở hữu 100%).
Theo ông Ngô Chí Dũng "Trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của công ty tài chính FE Credit". Tuy nhiên, cuộc rao bán của VPBank chưa thành công thì thị trường tài chính tiêu dùng đi xuống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo lợi nhuận của FE Credit sụt giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự VPBank, cũng tại ĐHĐCĐ năm 2020, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB đã thông tin việc thoái vốn tại Công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Hiện SHBFC có tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Viettel, do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và NHNN nên sáp nhập vào SHB. Hiện SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn.
Ông Đỗ Quang Hiển tin tưởng thương vụ sẽ thành công trong năm 2020 này, tuy nhiên đến thời điểm này câu chuyện bán vốn tại SHBFC của SHB vẫn chưa thực hiện được.
Đầu năm 2020, lãnh đạo MSB cũng thông báo với cổ đông về việc đã tìm được nhà đầu tư là Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại FCCOM với giá 42 triệu USD. Việc mua bán đã được ký kết từ cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được NHNN phê duyệt.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, làn sóng rút một phần vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng của các ngân hàng mẹ là do thị trường vay tiêu dùng đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt vì lợi nhuận đem lại vẫn hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường này.
Đại dịch Covid-19 tác động khiến thị trường tín dụng tiêu dùng sụt giảm. Chỉ khi nền kinh tế đi lên, thì nhu cầu mua sắm tăng cao, tín dụng tiêu dùng mới tăng và an toàn. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm cho chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng bị sụt giảm, kết quả kinh doanh của nhiều công ty giảm mạnh.
Báo cáo mới đây của FinGroup cũng cho biết, năm 2020, thị trường tài chính tiêu dùng lần đầu tiên trong một thập kỷ ghi nhận tăng trưởng ở mức một con số.
Bên cạnh đó, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của các công ty này gặp khó khăn.
Hiện, trên thị trường tài chính Việt Nam đang có 16 công ty tài chính hoạt động, trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank. Nếu tính cả giai đoạn trước năm 2018 thì có cả Techcom Finance của ngân hàng Techcombank, tuy nhiên đã chuyển nhượng 100% vốn cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc). Trước khi Techcom Finance chia tay Techcombank thì trên thị trường M&A cũng đã ghi nhận MB bán 50% vốn tại MCredit đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MB Shinsei. |