Nước ngoài 'mê mẩn' cổ phiếu hạ tầng
9 tháng đầu năm 2017, khối ngoại đã mua ròng hơn 13.500 tỷ đồng trên 2 sàn HOSE và HNX. Bên cạnh mua ròng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HOSE, các khoản đầu tư của khối ngoại trong thời gian gần đây cho thấy, nhóm cổ phiếu ngành hạ tầng, khu công nghiệp đang hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại.
Trên sàn Hà Nội (HNX), cổ phiếu VGC của Viglacera và HUT của Tasco đang là những cái tên được khối ngoại săn đón nhiều nhất. Khối ngoại đã mua ròng gần 315 tỷ đồng cổ phiếu VGC và mua ròng là trên 151 tỷ đồng cổ phiếu HUT.
Không chỉ mua ròng trên sàn, khối ngoại còn chi ra gần 2.000 tỷ để mua VGC và HUT thông qua đấu giá cổ phần và phát hành riêng lẻ.
Đối với cổ phiếu VGC, phiên bán đấu giá 120 triệu cổ phần ra công chúng với mức giá khởi điểm là 12.300 đồng/cổ phần vào cuối tháng 5 đã được các nhà đầu tư tích cực mua vào. Đẩy giá mức giá trúng bình quân lên đến 16.175 đồng/cổ phần.
Đặc biệt, hơn 109 triệu cổ phần, tương đương 91,65% tổng số cổ phần chào bán của Viglacera đã các nhà đầu tư nước ngoài thu gom. Trong đó, nhà đầu tư tích cực mua nhất đó chính là nhóm Dragon Capital đã chi thêm gần 1.000 tỷ đồng để mua thêm 59,5 triệu cổ phiếu VGC. Hiện nhóm này đã nắm giữ hơn 76 triệu cổ phiếu của Viglacera, tỷ lệ 17,82%
Nhóm VinaCapital cũng tích cực thu gom cổ phiếu VGC và trở thành cổ đông lớn sở hữu 5% cổ phần của Viglacera cách đây ít ngày.
Trong khi đó, hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon (FCN) mới đây cũng đã chốt phương án nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu FCN tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài lên 75%. Mục tiêu nhằm thu hút vốn ngoại đầu tư vào các dự án lớn về hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng. Hiện danh sách cổ đông lớn của Fecon hiện nay cũng có sự góp mặt của PYN Elite Fund, sở hữu hơn 7,4 triệu cổ phiếu (15,63% vốn).
Đợt IPO của IDICO mới đây cũng cho thấy, NĐT nước ngoài đang rất hăm hở trong việc sở hữu cổ phiếu của một trong những ông lớn trong ngành hạ tầng tại Việt Nam. Hơn 55 triệu cổ phần IDICO đã được bán hết trong phiên đấu giá sáng ngày 05/10 và thu về hơn 1.324 tỷ đồng. Giá đấu thành công bình quân đạt 23.940 đồng/cổ phần, cao hơn 33,3% so với giá khởi điểm. Được biết, số lượng cổ phần trúng thầu của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 41,3 triệu cổ phần, tương đương 74,8% lượng cổ phần chào bán.
Theo nguồn tin từ Idico trước đó cho biết, có nhiều quỹ đầu tư quan tâm đến IPO tổng công ty này. Trong đó, hai quỹ đầu tư lớn nhất là Dragon Capital, Vinacapital, ngoài ra là các tổ chức đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất tích cực qua lại tìm hiểu thông tin doanh nghiệp.
Cơ hội cải thiện lợi nhuận
Với trường hợp của Viglacera, hoạt động của TCT này đã có sự cải thiện mạnh mẽ kể từ sau khi cổ phần hóa và niêm yết lên sàn chứng khoán. Cổ phần hóa đầu năm 2014, và đưa cổ phiếu lên sàn UpCom kể từ tháng 10/2015, Viglacera đã liên tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Đến khi Viglacera quyết định chuyển sang niêm yết trên sàn HNX thì khối ngoại mới thực sự tiếp cận cổ phiếu này nhiều hơn.
Trong khi đó, đối với IDICO, dù là một ông lớn trong ngành hạ tầng điện, giao thông và đặc biệt là các khu công nghiệp lớn ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hiệu quả hoạt động của TCT này không thực sự ấn tượng. Thậm chí chỉ riêng một mình mảng cho thuê các KCN hiện đã đem lại cho TCT này 450 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đóng góp chính vào lợi nhuận sau thuế của IDICO. Trong khi đó, nhiều khoản đầu tư khác như điện năng, xây lắp và một số hoạt động khác chưa mang lại hiệu quả.
Dù vậy, nguyên nhân dẫn đến việc các nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào IDICO đó chính là sự kỳ vọng vào một sự lột xác sau cổ phần hóa. Một chuyên M&A cho biết, điểm hấp dẫn ở một số công ty có tiềm lực lớn nhưng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả như IDICO là khả năng cải thiện biên lợi nhuận rất cao. Thực tế, điều đó đã diễn ra ở rất nhiều DN Nhà nước hiện nay sau cổ phần hóa.
Dĩ nhiên, song song với kỳ vọng cải thiện hiệu quả hoạt động đó chính là sự thay đổi mô hình sở hữu. Những hành động tích cực của cơ quan quản lý gần đây cho thấy quá trình thoái vốn Nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh doanh không trọng yếu tại VN đang diễn ra nhanh hơn. Sắp tới, Bộ Xây Dựng sẽ tiếp tục thoái vốn tại Viglacera xuống còn 36% trong năm 2019 và thoái hết vốn vào năm 2020. Tương tư, vốn nhà nước tại IDICO cũng dự kiến sẽ chỉ còn 36% sau cổ phần hóa và Nhà nước sẽ thoái hết vốn vào cuối 2018.
Bên cạnh đó, một chuyên gia Kinh tế nhận xét thêm rằng, các DN hạ tầng hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài nghiên cứu đầu tư là do quy mô lớn, nguồn thu có thể không cao nhưng an toàn, phù hợp nguồn vốn của một số quỹ nước ngoài được ủy thác.
Theo Huy Nguyên/ Trí Thức Trẻ
>> Ba ngày 1 tỷ USD: Kỷ lục tiền nóng, 10 năm có 1