Sự thêm thắp có chủ ý cộng dồn từ nhiều dự án cùng một vị trí đã tạo lên những hệ lụy thấy rõ khi dân cư tập trung tại một điểm là quá lớn như tình trạng tắc đường, an ninh trật tự, hệ thống giáo dục y tế luôn trong tình trạng quá tải…
“Thừa giấy vẽ voi”
Một ngày đẹp trời tháng 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản lấy ý kiến về đề xuất bổ sung hàng loạt dự án sân golf của các địa phương vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lấy ý kiến việc bổ sung sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại xã Chu Diện, Khám Lạng, Yên Sơn, huyện Lục Nam vào quy hoạch. Dự án có tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng, sân golf 36 lỗ. Tổng diện tích đất đề nghị bổ sung quy hoạch dự án khoảng 199 ha.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội Văn bản số 935/UBND-ĐT ngày 09/3/2018 gửi Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh giảm diện tích quy mô dự án sân golf và điều chỉnh chức năng sử dụng đất Dự án Khu nhà ở Him Lam Long Biên trong Khu sân golf và dịch vụ Long Biên.
Tại lần kiểm tra thực hiện quy hoạch sân golf trước đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết trong gần 90 dự án sân golf đã được Thủ tướng phê duyệt, nhiều sân golf phải đưa ra ngoài quy hoạch vì chậm tiến độ, nằm ngoài danh mục và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Trong đó, có nhiều chủ đầu tư sử dụng sai mục đích đât làm sân golf, khi 50% diện tích được sử dụng để xây khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại...
Không hiếm những dự án sân golf xin điều chỉnh quy hoạch tăng gấp đôi thậm chí gấp ba lần so với diện tích được duyệt trước đó.
Xin điều chỉnh dự là một chuyện, không ít những dự án còn tự điều chỉnh cho chính dự án của mình, đến lúc người dân biết, cơ quan chức năng vào cuộc thì đã là sự đã rồi.
Hiện nay, rất ít dự án làm đúng quy hoạch, hầu hết dự án điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng quỹ nhà lên. Chính vì vậy, các quỹ đất phúc lợi như công viên, vườn cây, trường học… bị cắt xén. Có dự án “chạy” mật độ xây dựng lên đến 70-80%, nên không còn chỗ cho cây xanh, nhiều chung cư chỉ có sân thể dục và đường đi lại.
Điệp khúc “phạt cho tồn tại”
Điệp khúc phạt cho tồn tại đã xảy ra tại nhiều dự án lớn nhỏ nhưng nó để lại một hệ lụy lớn như một “tiền lệ” để các công ty tập đoàn cứ thế vi phạm, đóng tiền và rồi được tồn tại.
Đơn cử một vụ việc xảy ra tại dự án chung cư Samland Riverview (178/16 đường D1, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) do Công ty cổ phần địa ốc Samco (Samland) làm chủ đầu tư sau khi đưa vào sử dụng đã nở thêm 3 căn hộ.
Hình ảnh giới thiệu dự án chung cư Samland Riverview
Khi ký hợp đồng mua căn hộ dự án chung cư Samland Riverview, Công ty Samland cam kết dùng tầng thượng chung cư làm khu vực tiện ích cho cư dân vui chơi giải trí như: sân chơi trẻ em, tập gym, cà phê...
Tuy nhiên hiện nay Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép đối với công trình.
Tuy nhiên sau một thời gian xây dựng, khu vui chơi giải trí đâu không thấy mà thay vào đó là 3 căn hộ chung cư mọc lên chiếm gần hết diện tích tầng thượng. Điều đáng nói, khi 3 căn hộ này mọc lên thì lối thoát hiểm chung cư ở khu vực tầng thượng cũng bị chủ đầu tư “xóa sổ”.
Hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch ban đầu có thể thấy rõ bằng việc tắc đường, cháy nổ, cuộc sống không đảm bảo khi mật độ xây dựng, mật độ dân số quá lớn…
Theo một chuyên gia BĐS: “Khi làm quy hoạch, các nhà quy hoạch đã hoạch định rõ ràng, đúng học thuật, mỗi khu được quy định số tầng, diện tích xây dựng phù hợp, khác nhau, nhưng do quản lý có “kẽ hở”, nên để sai phạm xảy ra, làm phá vỡ quy hoạch, các mức phạt vi phạm còn rất thấp, không thấm vào đâu so với lợi nhuận mang lại từ sai phạm, nên nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm để được phạt cho tồn tại”.
Rõ ràng hành lang pháp lý về cấp phép, thay đổi, điều chỉnh dự án cần quy định minh bạch, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng tránh mọi việc vào sự đã rồi.