Tín dụng bất động sản bắt đầu tập trung cho sức cầu

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2016, tín dụng cho cầu bất động sản chiếm 62%, tăng 7 điểm phần trăm so với 2 năm trước, trong khi tín dụng cho cung chỉ là 38%.
Tín dụng bất động sản bắt đầu tập trung cho sức cầu

Ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà

Báo cáo tổng quan thị trường thị trường tài chính 2016 và triển vọng năm 2017 vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, với chính sách thận trọng tiếp tục được duy trì, nguồn vốn chảy vào bất động sản sẽ chậm lại.

Ủy ban dẫn số liệu cho thấy, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản năm 2016 ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 28,3%).

Theo Thông tư số 06/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014, hệ số rủi ro cho các khoản vay bất động sản đã được nâng từ 150% lên 200%, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng có lộ trình, giảm từ 60% xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống mức 40%. Với chính sách thận trọng này, nhiều chuyên gia dự báo, nguồn tín dụng cho bất động sản chắc chắn sẽ bị cắt giảm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 chậm hơn so với năm 2015, nhưng các ngân hàng vẫn thận trọng, kiểm soát chặt chất lượng, hạn chế tối đa việc cung ứng vốn cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, tín dụng cho cầu bất động sản vẫn được đáp ứng tốt.

Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu năm 2014, tín dụng cho cầu bất động sản chiếm 55%, còn lại là tín dụng cho cung bất động sản, thì đến năm 2016, tỷ lệ này có sự thay đổi rõ rệt, tín dụng cho cầu bất động sản là 62% và cho nguồn cung là 38%.

Bên cạnh vấn đề chính sách tín dụng thận trọng sẽ làm giảm nguồn vốn cho thị trường bất động sản, ông Hà còn nhấn mạnh, dư nợ tín dụng bất động sản tập trung nhiều vào phân khúc cao cấp, bỏ ngỏ phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở hạng tiêu chuẩn và có xu hướng tập trung vào một số chủ đầu tư.

“Điều này có tác dụng thanh lọc tốt, song cũng tạo ra những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường bất động sản và cho cả hệ thống ngân hàng”, ông Hà cảnh báo.

Ở góc độ của nhà phân phối, đại diện Sàn bất động sản EZ nhìn nhận, nếu dòng tín dụng từ các ngân hàng bị thắt chặt, thì không chỉ bất động sản, mà tất cả các lĩnh vực đều gặp khó khăn. Với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống mức 40%, thì dòng vốn cho thị trường bất động sản ít nhiều có ảnh hưởng, vì cho vay bất động sản chủ yếu vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, đại diện EZ cho rằng, ảnh này là không lớn và bày tỏ sự tin tưởng thị trường sẽ không hoàn toàn khó khăn.

“Nhu cầu của khách hàng vẫn có, vấn đề là nhu cầu đó ở phân khúc nào và các chủ đầu tư có tập trung vào hàng hóa đó không”, đại diện EZ nói và cho biết, vẫn có những phân khúc phát triển tốt nếu như các chủ đầu tư có chiến lược hợp lý và tập trung tối đa cho sản phẩm của mình.

Những phân khúc hướng đến người mua ở thực, với những sản phẩm tốt, chủ đầu tư uy tín, vị trí thuận lợi, tiến độ xây dựng tốt và đặc biệt là giá cả đúng với giá trị thực vẫn được khách hàng đón nhận.

Theo Bùi Trang/Báo Đầu tư 

Có thể bạn quan tâm

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đã tăng giá đáng kể, thậm chí có những dự án mức giá ngang bằng với chung cư thương mại...

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…