Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt về nguồn lực đất đai, khu công nghiệp...

images1860391_12m2.jpg
Nhiều lợi thế của Việt Nam giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành xu thế và là ngành công nghiệp quan trọng của toàn cầu. Tác động đến đời sống của con người từ những thiết bị nhỏ như đồ gia dụng đến những chiếc ô tô, máy bay hiện đại.

NHIỀU ƯU ĐIỂM NỔI BẬT

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á” vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn.

Bởi, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

1542_382526566_711281337709476_6117133128787871607_n.png
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trước đó không lâu, tại diễn đàn “Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2023”, ông Tom Over, Giám đốc Hậu cần và Khu công nghiệp, Công ty JLL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2023 cho biết, xét tính bền bỉ của chuỗi cung ứng và những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á thì Việt Nam liên tục đứng thứ nhất và thứ hai về các chỉ số đầu tư.

Riêng về tính bền bỉ của chuỗi cung ứng, Trung Quốc từng có chi phí thấp, nhưng vì những diễn biến trên toàn cầu, rủi ro đang tăng lên. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có tính toán chuyển sang các nước khác có ít rủi ro hơn.

"Xu hướng này rất thú vị, không chỉ Việt Nam là quốc gia đang hưởng lợi. Nhà đầu tư châu Âu cũng đang có xu hướng chọn đầu tư tại chỗ", ông Tom Over chia sẻ.

Về đa dạng hoá chuỗi cung ứng, theo ông Tom Over, Việt Nam đang là điểm đến được hưởng lợi trong xu thế này. Vì Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được các nhà đầu tư quan tâm khi tìm kiếm địa điểm cho sự chuyển dịch. Có thể dễ dàng nhận thấy là tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài rót vào Đông Nam Á ngày càng tăng qua các năm.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, có khoảng 7.000 dự án FDI được đầu tư, trong đó Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Điều này phản ánh xu hướng Việt Nam đang muốn dọn tổ để đón các nhà đầu tư đại bàng.

“20% dự án lớn đã chiếm 80% tổng giá trị đầu tư nước ngoài vào Việt nam, tỷ lệ này chứng minh tầm quan trọng của các nhà đầu tư "ong chúa". Vì vậy, cần chuẩn bị sẵn sàng để chào đón họ”, ông Tom Over nhấn mạnh.

Hiện nay, đang có 3 sản phẩm được nhà đầu tư quan tâm là đất, nhà máy và kho bãi xây sẵn. Ở Việt Nam, xu hướng khu công nghiệp được xây dựng từ các nhà phát triển trong nước. Sắp tới đây, sẽ có thêm làn sóng đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Khoảng 5 - 7 năm trước, khi khách hàng thuê JLL nghiên cứu, họ chỉ định rõ là nghiên cứu TP.HCM và Hà Nội, còn bây giờ thì đối tượng nghiên cứu đã mở rộng tới các thành phố khác của Việt Nam.

CÁC ÔNG LỚN ĐANG HẠ CÁNH

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện ông lớn Samsung đang có kế hoạch sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên, vốn đầu tư trên 2,6 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm được hoàn tất.

Trong thị trường công nghệ bán dẫn, không thể thiếu tên của ông lớn công nghệ Intel, đây là một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới. Việt Nam là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ Intel với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Ước tính, nhà máy này chiếm đến 70% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu, nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel nằm tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

chip-intel.png
Sản phẩm của Tập đoàn Intel

Cùng với đó, nhà máy bán dẫn công nghệ cao (nhà máy Amkor Technology Việt Nam) tại Bắc Ninh của Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc), với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD dự kiến sản xuất thử vào cuối tháng 10/2023. Nhà máy bán dẫn công nghệ cao tại Bắc Ninh là nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu.

Nhà máy Amkor Technology Việt Nam đang được triển khai xây dựng đúng tiến độ, dự kiến hoàn công vào tháng 9, để đến cuối tháng 10 sẽ đưa vào sản xuất thử. Công ty kiến nghị tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các ngành, địa phương sớm di chuyển bãi rác sang khu vực khác và hoàn công tuyến đường 285B; hỗ trợ công ty sớm được cấp phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, giấy phép hoàn công xây dựng và thay đổi Layout.

Dự kiến, sẽ nhiều công ty sản xuất bán dẫn đặt chân đến Việt Nam hơn nữa khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Sau đó không lâu, ngày 20/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là một bước tiến tiếp theo để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.

Đến ngày 21/9 theo giờ địa phương, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lễ trao thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt - Mỹ đã được thực hiện trong các lĩnh vực: phát triển khu công nghiệp; xây dựng cảng biển; hỗ trợ tăng trưởng xanh; sản xuất, phân phối dược phẩm; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.

phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam.jpg
Một sản phẩm của ngành công nghiệp bán dẫn

Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) của Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ), để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.

2 bên cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho các công ty bán dẫn ở Mỹ. Cụ thể, Silvaco, Công ty cổ phần bán dẫn FPT và Đại học FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ. Các bên sẽ đồng thời hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước ta hiện có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất công nghiệp khoảng 23,8 nghìn ha.

Có thể bạn quan tâm