Việt Nam đặt mục tiêu duy trì mức dự trữ ngoại hối tương đương lên 16 tuần nhập khẩu

Tại Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”.
Việt Nam đặt mục tiêu duy trì mức dự trữ ngoại hối tương đương lên 16 tuần nhập khẩu

Cụ thể, mục tiêu tổng quát của Đề án là phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hoàn thiện, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trên cơ sở khoa học, công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng đề ra nhiều chỉ tiêu liên quan đến kinh tế vĩ mô, tài khóa, xã hội, môi trường,… Đặc biệt, có nhiều chỉ tiêu quan trọng đặt ra cho hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu12%; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro của khối ngân hàng ở mức tối thiểu 9%; duy trì mức dự trữ ngoại hối tương đương với tối thiểu 16 tuần nhập khẩu.

Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức gần 110 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối có quy mô tương đương 12 đến 14 tuần nhập khẩu thì quốc gia đó sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối.

Một khi lượng dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ giúp cho NHNN có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối cao sẽ tạo thuận lợi trong việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng, đồng thời, củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Và khi có nguồn lực dự trữ ngoại hối mạnh, Việt Nam sẽ có thêm điểm cộng trong đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hạng mức tín nhiệm quốc gia theo đó có thêm cơ sở để có thể nâng cao; qua đó, các chi phí liên quan đến vốn vay nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp có thêm yếu tố thuận lợi để có thể giảm thiểu.

Có thể bạn quan tâm