Các ngân hàng Hàn Quốc đang ồ ạt mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, với niềm tin về tiềm năng tăng trưởng cũng như kỳ vọng nới lỏng hạn chế về sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.
KEB Hana Bank, ngân hàng cho vay lớn thứ 2 tại Hàn Quốc đang đàm phán với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm mua 17,65% cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), theo một nguồn tin cho biết. Mức giá giao dịch dự kiến đạt 30 tỷ won (26,6 triệu USD).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang sở hữu 95,28% cổ phần của BIDV, ngân hàng quốc doanh lớn thứ 2 Việt Nam tính theo tài sản.
Ảnh: Nikkei
Vào tháng 1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã mời KEB Hana tham gia vào quá trình cải cách ngành ngân hàng của Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam xem năm 2018 là một năm cải cách ngành ngân hàng, tạo cơ hội cho các tổ chức tài chính như KEB Hana đầu tư vào lĩnh vực tài chính”, ông Huệ nói với Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Hana Kim Jung-tai trong một cuộc họp tại Hà Nội.
Cuộc thảo luận được đưa ra khi các ngân hàng Hàn Quốc đang củng cố việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Shinhan Bank, ngân hàng thương mại thuộc Tập đoàn tài chính Shinhan, gần đây đã vượt qua HSBC để trở thành ngân hàng nước ngoài số 1 tại Việt Nam với tổng tài sản 3,3 tỷ USD và 900.000 khách hàng.
Việc Shinhan mua lại đơn vị bán lẻ của ANZ tại Việt Nam vào năm ngoái đã đẩy mạnh vị thế của ngân hàng Hàn Quốc. Nhờ đó, Shinhan có thêm 95.000 khách hàng tín dụng từ ngân hàng ANZ.
Các nhà phân tích cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và việc bãi bỏ các quy định sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các ngân hàng Hàn Quốc.
“Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất trong các quốc gia mới nổi”, Seo Young-soo, một nhà phân tích của Kiwoom Securities cho biết. “Đất nước này có nền đô thị hóa tiên tiến hơn và thị trường tập trung so với Indonesia. Mô hình phát triển kinh tế được vận hành bởi chính phủ cũng quen thuộc với các ngân hàng Hàn Quốc".
Tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam tăng 18,9% trong năm 2017, lên 5,7 tỷ USD, theo Cơ quan Giám sát Tài chính. Tỷ lệ này cao hơn tổng số tài sản các ngân hàng nước ngoài khác.
Trong khi tăng trưởng tổng tài sản của các ngân hàng ngoại cùng thời kỳ là 12,9%, lên 42 tỷ USD.
Tổng tài sản của Shinhan Việt Nam, một công ty con của ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc), đang chiếm 59,7% tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngân hàng Woori chi nhánh Woori Việt Nam nắm tỷ trọng 15,5%. Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, KEB Hana và Ngân hàng KB Kookmin chia sẻ phần còn lại.
Lợi nhuận ròng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cũng tăng 28,9% trong năm ngoái lên 61 triệu USD. Thu nhập lãi tăng 25,6% trong năm 2017 lên 135 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu của FSS, về mặt lợi nhuận, các ngân hàng Hàn Quốc vẫn chưa bằng các đối tác từ châu Âu. Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) của Shinhan Việt Nam là 1,7% năm 2017, giảm so với mức 1,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, ROA của HSBC là 2,0% vào năm 2017, tương đương các năm trước.
Theo Nikkei, nhà đầu tư từ Hàn Quốc và các nơi khác dự kiến sẽ đón nhiều cơ hội khi Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch nới lỏng các quy định về sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang nỗ lực để giảm bớt giới hạn sở hữu nước ngoài nhằm thu hút từ các nhà đầu tư. Room ngoại tại các ngân hàng Việt Nam hiện là 30% và giới hạn ở mức 20% với từng nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ muốn bán Ocean Bank - một trong ba nhà băng được NHNN mua lại vào năm 2015 do gặp vấn đề tài chính. Chính phủ cũng đã lên kế hoạch bán một phần 35% trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông qua đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2020.
Hàn Quốc không phải là nhà đầu tư duy nhất nắm bắt những cơ hội này. Hiện Mizuho Bank (ngân hàng đến từ Nhật Bản) cũng đang sở hữu 15% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Sumitomo Mitsui Banking Corp nắm giữ 15% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% cổ phần của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB).
Theo các chuyên gia phân tích, ngân hàng Hàn Quốc vẫn có lợi thế tốt hơn tại Việt Nam so với các đối thủ khác nhờ cung cấp các dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ.
"Các ngân hàng Hàn Quốc đang thắng thế trong các dịch vụ bán lẻ khi cung cấp dịch vụ ngân hàng di động tiện lợi dựa trên ứng dụng công nghệ cao" ông Seo Young-soo nhận định.
Theo Châu An/Người đồng hành
Tựa đề do Thương Gia biên tập lại