Việt Nam và sự ngạc nhiên không hề nhẹ

Họ là những vị khách “từ trên trời rơi xuống”, đến Việt Nam và book phòng ở tại các home stay, thông qua trang airbnb.com.
Việt Nam và sự ngạc nhiên không hề nhẹ

Trò chuyện với Thương Gia, mỗi người đều muốn chia sẻ thật nhiều ý nghĩ, cảm xúc về đất nước và con người Việt Nam. “Ngạc nhiên” là hai từ được chắt lọc nhất để nói về những cảm xúc của họ khi đến với đất nước hình chữ S kỳ diệu này.

Anh Viktor Szczepkowski: Sống ở Việt Nam thật thoải mái

Tôi mang quốc tịch Ba Lan. Hơn chục năm qua, tôi sống và làm việc tại vương quốc Anh. Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam. Lần đầu tiên cách đây vài tháng, tôi đi du lịch Thái Lan rồi qua Việt Nam thăm một người bạn, ngay lập tức Việt Nam đã quyến rũ tôi. Tôi trở về Anh thu xếp công việc rồi nhanh chóng quay lại Việt Nam. Tôi đã xin được một chân dạy tiếng Anh trong trường phổ thông, từ thứ hai đến thứ sáu. Cuộc sống của tôi hiện nay tại Hà Nội rất thoải mái. Tôi có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và để… đi phượt. Với tôi, Việt Nam là nơi an toàn, thiên nhiên đẹp, thân thiện và vui vẻ.

Anh Viktor Szczepkowski: Sống ở Việt Nam thật thoải mái
Anh Viktor Szczepkowski

Hiện nay Ba Lan cũng như các nước khác trong khối Châu Âu và trên toàn thế giới, kinh tế rất khó khăn do lạm phát, giá cả đắt đỏ, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt. Hàng ngày theo dõi tin tức về đất nước, tôi hiểu rằng tình hình đã khác rất nhiều so với hơn chục năm trước khi tôi sống ở quê nhà. Trong khi đó, chúng tôi là những người Châu Âu sống tại Việt Nam, mọi thứ đều đang rất ổn định nếu không nói là thuận lợi và tốt đẹp. Có cuộc sống như thế, tôi càng nghĩ đến bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình mình đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn trong mùa đông rét mướt này. Lần cuối cùng tôi về thăm họ là cách đây hơn 2 năm, thời điểm trước khi dịch covid 19 bùng phát. Noel này tôi sẽ trở lại quê nhà để thăm gia đình, sau đó sẽ quay trở lại Việt Nam với tấm visa và hợp đồng lao động dài hạn, nếu mọi việc thuận lợi.

Anh Kuba Wietnamczyk: Tết của người Việt là đoàn tụ và gắn bó

Tôi đến từ Ba Lan. Tôi đã ở Việt Nam 6 năm rồi. Lúc đầu tôi đến Việt Nam du lịch, tôi chỉ định ở Việt Nam một thời gian ngắn nhưng rồi Hà Nội đã níu chân tôi tới 6 năm. Tôi có công việc tốt – dạy tiếng Anh trong trường phổ thông. Việt Nam ư? Tôi không nịnh các bạn nhé – cực kỳ thú vị, dễ kiếm việc, nhiều chỗ chơi và giá cả rẻ. Tóm lại là dễ sống.

Anh Kuba Wietnamczyk: Tết của người Việt là đoàn tụ và gắn bó
Anh Kuba Wietnamczyk

Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, mỗi nơi có vẻ đẹp, sự quyến rũ khác nhau… Thế nhưng với tôi, Việt Nam là số 1. So với ở Ba Lan quê hương tôi, chi phí cho một cuộc sống thoải mái ở Việt Nam – đôi khi rẻ đến mức không tưởng. Tôi có một người bạn đến từ Mỹ. Anh ấy có thu nhập vào top cao ngất. Thế nên khi đến Việt Nam, anh ấy trải nghiệm nơi ở tại các home stay, đi chợ truyền thống… Bạn biết anh ấy nói gì không? – “Dường như mọi thứ đều miễn phí!”.

Đương nhiên là chả có gì miễn phí đâu. Nhưng nếu có mức thu nhập ở Mỹ và Châu Âu, chi tiêu tại Việt Nam thì mọi người sẽ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Thật khó tin khi sau 6 năm ở Việt Nam, tôi đã tự tạo cho mình một “nền văn hóa ẩm thực riêng”: Sáng ăn phở bò, phở gà; Trưa ăn bún chả tại phố Thụy Khuê. Tối thì các món Âu – Á – Mỹ… tùy thích. Gần như ngày nào cũng vậy. Giờ thì đến các bạn Việt Nam ngạc nhiên về một gã người Ba Lan có cách ăn rất “nhàm chán” là tôi. Nhưng tôi là thế đó. Với tôi, món bún chả ở phố Thụy Khuê là món ngon nhất thế giới.  

Một điều luôn mang lại cho tôi niềm xúc động: Đó là bữa ăn của người Việt Nam – đã mang tính cân bằng âm dương bằng các loại thức ăn tươi nhiều rau lại còn luôn diễn ra vui vẻ và ấm áp. Các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau trong bữa cơm, điều đó khiến họ gắn kết với nhau hơn. Nó rất khác với văn hóa Châu Âu và Mỹ.

Đặc biệt, dịp Tết truyền thống của người Việt, sự gắn bó càng được thể hiện khăng khít hơn nữa. Năm nay tôi lại được “ăn Tết” và “chơi Tết” ở Việt Nam. Tôi lại có thêm những cảm giác ngạc nhiên và thú vị hơn nữa.

Anh David Lefebvre: Việt Nam như một giấc mơ

Anh David Lefebvre:  Việt Nam như một giấc mơ

David Lefebvre

Tôi đến từ Québec, Canada. Đây là tỉnh nói tiếng Pháp chính thức duy nhất của Canada. Chúng tôi có mùa đông rất dài và lạnh giá, nơi nhiệt độ xuống thấp tới - 40 độ C và mùa hè rất ngắn và nóng, nơi nhiệt độ cao có thể lên tới 40 độ C. Theo những gì tôi có thể nhớ, tôi đã luôn muốn đi du lịch và sống ở nước ngoài, ngay cả khi còn nhỏ. Tôi thích đắm mình vào những điều chưa biết và học hỏi những ngôn ngữ và nền văn hóa mới. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tôi muốn đến thăm nhưng cuối cùng tôi đã đi vòng quanh thế giới trước khi đến đây và điều đó thật đáng giá.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất ở Việt Nam là con người. Cảm giác đầu tiên của tôi thật thú vị khi thấy rằng mọi người luôn có mặt trên đường phố và nói chuyện với nhau. Rồi sau khi tìm hiểu thêm về lịch sử, các cuộc chiến tranh đã đi qua nơi đây, tôi thấy người Việt Nam rất tự hào và kiên cường về truyền thống tranh đấu giành tự do độc lập của mình.

Sau nhiều chuyến đi đến các vùng miền của Việt Nam, tôi đã tin rằng điều khiến một đất nước trở nên đặc biệt chính là con người của vùng đất đó và đó là lý do tại sao tôi yêu nơi đây. Bạn, trong số tất cả mọi người, là một ví dụ hoàn hảo cho thấy người Việt Nam hào phóng, có học thức và thực sự quan tâm đến người khác như thế nào. Ngoài những điều đó ra thì thức ăn nữa - tất nhiên rồi. Rất ngon, đến nỗi mọi lời khen tặng trở thành vô nghĩa.

Kiến trúc Pháp kết hợp với sự hiện diện mạnh mẽ của thiên nhiên khiến nơi đây trở thành một trải nghiệm rất độc đáo, giống như một giấc mơ.

Tôi muốn giới thiệu bất kỳ ai trên thế giới hãy đến Việt Nam, để bản thân say đắm trước vẻ đẹp và sự giàu có không gì so sánh được của nó. Đặc biệt là những người đến từ Mỹ, vì đất nước này là một ví dụ hoàn hảo về việc người ta luôn tự mình trải nghiệm mọi thứ, để thấy rằng một quốc gia cộng sản có thể mang lại sự ổn định và hạnh phúc cho người dân của mình. Nó khác với những gì mà nhiều người ở phương Tây thường nghĩ. Sự tương phản không nói dối và sự thật là rõ ràng: tình đồng chí, niềm tự hào và sự phong phú cho tất cả mọi người là những gì bạn sẽ tìm thấy. Tất cả những điều đó là lý do tại sao tôi sẽ trở lại đây nhiều lần.

Anh Austen Bright: “Điều thú vị nhất: Việt Nam có gần 100 triệu camera chạy bằng cơm!”.

Tôi lớn lên từ nông trại ở thành phố Dayton, bang Ohio, Hoa Kỳ. Tôi là kỹ sư phần mềm máy tính.

Tôi tự thấy mình có một mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Cả ông và bà nội tôi từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, vào thời gian diễn ra cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ. Ông tôi và Jonh McCain cùng học với nhau ở Học viện Hải quân Hoa Kỳ (US Naval Academy). John McCain là cựu phi công Mỹ từng tham chiến và bị bắt làm tù binh ở Hà Nội, sau này trở thành Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ.

William George Fohrman - ông nội của Austen Bright từng tham chiến tại Việt Nam trong vai trò phi công không vận.
William George Fohrman - ông nội của Austen Bright từng tham chiến tại Việt Nam trong vai trò phi công không vận.

Xin nói thêm vài chi tiết rất quan trọng với tôi: Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ông nội tôi là người đã lái máy bay sang Việt Nam đón các tù binh phi công Mỹ trở về nước, trong đó có John McCain. Sau khi về nước, John McCain là một trong hai nhân vật năng nổ (người thứ hai là John Kerry) trong việc hối thúc và vận động chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Bà nội tôi phục vụ quân ngũ, trong vai trò cứu thương. Bà chứng kiến những cái chết và nỗi đau, tuyệt vọng của những người lính Mỹ bị thương ở chiến trường. Bà luôn chia sẻ rằng, đó là một cuộc chiến vô nghĩa và gây ra những mất mát không đáng có cho cả hai phía. Cũng như nhiều người Mỹ khác, ông bà tôi phản đối chiến tranh và ủng hộ quan điểm: Hòa bình, bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, tôn trọng nền độc lập và con đường phát triển của Việt Nam.

Tôi đến Việt Nam để tìm lại những ký ức trong những câu chuyện kể của ông bà tôi, tìm hiểu về cuộc chiến đã qua. Tôi muốn xem có sự khác biệt nào hay không - giữa thông tin tôi đã biết và thực tế.

Việt Nam đập vào mắt tôi là một đất nước đúng như nhiều người đã nhận định – nằm trong vùng trũng phát triển kinh tế của thế giới. Có thể nhìn thấy dòng chảy của đời sống cuồn cuộn trên phố, nơi phô diễn vẻ bề ngoài của mọi tầng lớp người, của những phương tiện sang trọng và hiện đại, của dòng chảy thương mại… Đặc biệt, đất nước này có sự hiện diện của rất nhiều khách du lịch, làm ăn, quan hệ thương mại, đối tác từ mọi miền trên thế giới, điều đó cho thấy Việt Nam đang thực sự là điểm đến rất hấp dẫn. Tôi đã đến thăm di tích Hỏa Lò, nơi 50 năm trước là nơi giam giữ các tù binh phi công Mỹ đã tham gia ném bom miền Bắc Việt Nam. Ở đây, tôi cũng gặp không ít người Mỹ đồng hương của tôi. Chúng tôi cùng hiểu rằng, chiến tranh giữa hai quốc gia đã lùi xa gần 50 năm, đủ để khép lại những đau thương và hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Tôi đến thăm vị trí mà phi công John McCain rơi xuống hồ Trúc Bạch, khi máy bay của ông bị lực lượng phòng không Hà Nội bắn cháy, tôi rất bất ngờ vì hóa ra nó nằm gần căn nhà home stay mà tôi đang thuê ở. Bà chủ nhà home stay là người Hà Nội, đồng thời là một nhà báo rất am hiểu lịch sử chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là 12 ngày đêm của tháng 12 năm 1972 diễn ra chiến dịch Linebaker II mà người Việt Nam gọi là trận Điện Biên Phủ trên không. Tôi cũng được nghe bà kể về những câu chuyện của thời chiến, bỗng nhớ lại những câu chuyện của ông nội tôi kể ngày xưa…

Lịch sử là một dòng sông đã chở đi rất nhiều đau thương, mất mát, bi và tráng. Ngày hôm nay quả là đã khác xa ngày xưa. Lần đầu đến Việt Nam và tham dự một sự kiện ở trường Đại học Thái Nguyên, các bạn nhỏ nhìn thấy tôi, vẫy tay chào khiến tôi rất cảm động. Trong sự kiện đó có sự tham dự của hoa hậu Dương Thùy Linh. Hàng ngàn người chào đón hoa hậu, chào đón và tặng hoa cho một người nước ngoài là tôi. Tôi cực kỳ ngạc nhiên và hạnh phúc về điều đó.

Cảm giác lần đầu uống cà phê thế nào? Thật tuyệt. Nó rất mạnh. Ngon quá. Tôi uống hết luôn 1 cốc. Sau đó tôi được mời uống trà xanh Việt Nam. Nó cũng rất mạnh. Cả hai món đồ uống khiến tay tôi hơi run.Tôi thấy hơi sợ nhưng cảm giác đó đi qua nhanh. Giờ thì tôi đã quen và tôi rất thích. Có lẽ người nước ngoài nào đã uống cà phê Việt Nam sẽ chỉ thích nó mà thôi.

Cũng như nhiều người nước ngoài khác, ấn tượng nhất với tôi là bún chả. Phở, bún là hai món ăn mà tôi có thể thưởng thức hàng ngày. Tôi thích phố cổ. Những con phố, cây xanh, công viên, phối hợp với nhau hài hòa, khác với những nơi tôi đã qua. Tôi thích những câu chuyện kể về cuộc sống, tinh thần của người Việt Nam. Họ quan tâm tới nhau đến mức những người trẻ tuổi kể cho tôi nghe: Gần 100 triệu người Việt Nam là gần 100 triệu camera chạy bằng cơm. Nghe họ nói vậy, tôi đã cười phá lên vì thích thú. Tôi thích chợ truyền thống của Việt Nam. Người Việt Nam đi chợ hàng ngày, vào buổi sáng để mua thức ăn, rau củ quả tươi…  Tôi hiểu vì sao người Việt Nam không bị béo như người Mỹ. Bản thân tôi sống ở Việt Nam có hai tuần mà đã giảm được vài kg.

Anh Austen Bright: “Điều thú vị nhất: Việt Nam có gần 100 triệu camera chạy bằng cơm!”.
Austen Bright

Tôi có kế hoạch đi thăm địa đạo Củ Chi. Tôi đã nghe nhiều về nó và một kế hoạch hoàn hảo thôi thúc tôi phải tới đó – để hiểu sâu sắc hơn về người Việt Nam, về những gì đã và sẽ xảy ra giữa hai quốc gia.

Tôi luôn tâm niệm phải làm được cái gì đó cho Việt Nam. Có một trường tư ở Hà Nội mời tôi về dạy tiếng Anh. Tôi rất vui vì điều đó. Ngoài dạy tiếng Anh, tôi sẽ giúp các bạn high school viết thư giới thiệu về bản thân để có thêm điểm đi du học hoặc xin học bổng vào các trường đại học trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm