Mỗi lần đến Việt phủ Thành Chương với tôi là mỗi lần khám phá. Dường như cùng với thời gian và trải nghiệm khiến tôi thấy nơi đây - một câu chuyện - nhưng được kể nhiều lần với những sắc thái và những cảm nghiệm mỗi ngày một sâu sắc hơn.
Tờ báo danh giá New York Times từng viết thế này “Việt Phủ Thành Chương là một sự bổ sung khác biệt, làm hoàn chỉnh những địa chỉ du lịch văn hóa danh tiếng nổi bật của Hà Nội, bên cạnh Quốc Tử Giám, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”…
Với những người ngoại quốc, quả thật đây là một địa chỉ văn hóa Việt – cô đọng mà phong phú, truyền thống mà vẫn sáng tạo, cổ kính uy nghi song hành cùng dân dã...
Điều kỳ diệu là Thành Chương bắt đầu từ ý tưởng mang tất cả những di vật vô giá mà họa sĩ sưu tầm được, đặt tất cả vào trong một không gian, giữa một vùng thiên nhiên bao la xanh ngát.
Ông từng tâm sự: “Như có một ý chỉ nào đó, một điều đặc biệt tâm linh chọn giúp tôi mảnh đất này - dù lúc ấy nó còn trơ trọi cằn cỗi, dù quê tôi ở mãi Bắc Ninh…” Để giờ đây ta có một Điện mẫu, ban thờ Thiên, Đền Trần, Tháp Sơn Tinh, có Thùy Đình, Ao Thiên Hương, có nhà Thanh Tĩnh, lầu Mạc Hương và cổng quê, nhà Giếng cổ, nhà Đại Khoa, nhà tranh vách đất… Tất cả những công trình đó đủ để hình dung về quá khứ xa vời của đời sống tâm linh và thường nhật của các gia tộc người Việt cổ, từ bình dân đến quyền quý… Ở đó bạn được hòa nhập vào không gian tĩnh lặng xanh mướt cỏ cây như lạc vào cõi tâm linh của riêng mình”.
Ông chia sẻ với các bạn Hàn Quốc về tâm huyết của mình để phục dựng và gìn giữ di sản dân gian Việt Nam: “Là nền văn hóa lúa nước chân thật, giản dị luôn đề cao tính thiện và vẻ đẹp – đó là gốc rễ sâu sắc của người Việt mà tôi mong muốn tôn vinh và lưu truyền cho các thế hệ hiện nay và mai sau”.
Với các nhà văn Hàn Quốc, đây là một “tác phẩm” thật đặc biệt, thật đáng khâm phục. Trước họ, nhà thơ Ko Un - ứng cử viên giải NoBel của Hàn Quốc đã đến thăm nơi này và lưu bút lại: “Có hai thứ ở Việt Nam tôi phải cúi đầu thán phục - Thứ nhất là của thiên nhiên tạo ra: Vịnh Hạ Long. Thứ hai là của con người làm ra: Việt Phủ Thành Chương!”
Nhà văn Bang Hyun Suk – giáo sư văn học, đồng chủ tịch CLB văn học Việt Hàn - người có nhiều tác phẩm viết về Việt Nam với tình yêu sâu sắc, trả lời câu hỏi của tôi về cảm xúc của ông đã bằng hai từ “Tuyệt vời”. Có lẽ thêm một lần Bang Hyun Suk nhìn sâu hơn vào tâm hồn và bản sắc Việt – như họa sĩ Thành Chương từng chia sẻ ban đầu: “Chúng tôi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhưng đã Việt hóa nó bằng tâm hồn trong trẻo, lòng tốt và vẻ đẹp của dân tộc mình…”. Trở về Hàn Quốc, nhà văn Bang Huyn Suk đã viết về Họa sĩ Thành Chương và Việt phủ đầy yêu mến và cảm phục.
Việt Phủ Thành Chương luôn mang đến cảm giác là những năm tháng xa xưa vừa lướt qua và chạm vào tôi. Hình bóng ông bà tổ tiên dường như quanh quất đâu đây, ký ức đọng trong mỗi bậc thềm mái lá, trong mỗi cổ vật khiến ta phải dừng lại và chợt hiểu nó đúng là phải ở đó chứ không thể khác. Ký ức trong tôi được khơi lại dạt dào... Ký ức giúp cho con người khác biệt, cho mỗi mảnh đất, mỗi dân tộc được là chính mình, được trở về với những khởi nguyên trong trẻo mát lành.
Tôi dừng mãi bên ngôi nhà Thanh Tĩnh có tuổi đời 200 năm. Dường như tôi quen thuộc với nơi này từ lâu lắm rồi - từ kiếp nào chả biết. Này là cửa xếp bức bàn, này những bức hoa văn đục chạm của bàn tay thợ tài hoa và những bức tượng Phật uy nghi trầm mặc…
Tôi như trôi, như trôi trong niềm thanh tĩnh đơn sơ huyền hoặc ấy và chợt bừng tỉnh khi chạm vào bức tranh có vẻ đẹp thật khó tả của họa sĩ Thành Chương treo trên tường…
Cám ơn họa sĩ Thành Chương - người đã lưu giữ ký ức Việt - để mỗi người đến đây được sống với dặm dài đất nước, với hồn cốt dân tộc, để biết mình giàu có và tự hào.
Bài: Thùy Dương
Thiết kế: Hoàng Nam
Kỹ thuật: AICMS