CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – mã: VJC) đã mua vào gần 1,74 triệu cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) qua đó nâng sở hữu lên 3,07 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9,13% và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này từ ngày 1/7/2019.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với giá trị lên đến 141,5 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận 81.400 đồng/cp, mức giá sàn của cổ phiếu SGN trong phiên giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu.
Ở chiều ngược lại, cũng trong ngày 1/7, CTCP Đầu tư khai thác Cảng đã bán thỏa thuận một lượng cổ phiếu đúng bằng số cổ phiếu mà Vietjet Air mua vào nhằm giảm sở hữu từ 12,8% xuống 7,6%. Do đó, nhiều khả năng số cổ phiếu trên được Vietjet Air mua lại từ Đầu tư khai thác Cảng.
Trong cơ cấu nhân sự SAGS, ông Trần Dương Ngọc Thảo, thành viên ban kiểm soát hiện cũng là Trưởng ban kiểm soát của Vietjet Air.
SAGS được chuyển đổi từ Trung tâm dịch vụ Hàng không từ tháng 12/2004 và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 01/01/2015 với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của cảng hàng không, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, phụ tùng, thiết bị hàng không; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất...
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2019, SAGS ghi nhận 365,6 tỷ đồng doanh thu và 89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 78,3 tỷ đồng tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 3.311 đồng.
Được biết, SAGS hoạt động chính tại 3 cảng hàng không quốc tế trọng điểm và cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói cho hơn 50 khách hàng, trong đó có rất nhiều hãng hàng không lớn cả trong nước và quốc tế như Vietjet Air, Asiana Airlines, Qatar Airways, Emirates Airline, Turkish Airlines. Công ty chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE từ ngày 1/8/2018.
Trước khi có sự xuất hiện của Vietjet Air, cơ cấu cổ đông của SAGS bao gồm 76% vốn trong tay các cổ đông lớn là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nắm 48%, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nắm 14,96% và CTCP Đầu tư hai thác Cảng nắm 12,96%, Vietjet Air chỉ nắm giữ 3,94%.
Lượng cổ phần này Vietjet Air đã mua trong đợt chào bán cho cổ đông chiến lược hồi tháng 12/2014 của SAGS gồm CTCP Đầu tư khai thác cảng (đăng ký mua 13%), CTCP hàng không Vietjet (mua 4%) và CTCPĐầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt (mua 2,25%). Cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm và giá khởi điểm bán thỏa thuận là 12.371 đồng/cp.
Như vậy, nếu thực tế Vietjet Air đã mua lại cổ phần từ Đầu tư khai thác Cảng trong đợt nâng sở hữu vừa qua thì Đầu tư khai thác Cảng có đang vi phạm quy định? Bởi tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn còn vài tháng nữa mới đủ thời gian 5 năm để chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Hiện, tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, công ty đang cung cấp dịch vụ mặt đất với tần suất phục vụ 40% các chuyến bay. Tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, công ty đang cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói cho hơn 15 hàng hàng không trong nước và quốc tế. Tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, SAGS đang phục vụ cho hơn 17 hãng hàng không trong nước và quốc tế.
Mặt dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên SAGS vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là sự xuất hiện của VIAGS (công ty con 100% vốn của Vietnam Airlines) tại 3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.
Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2018, doanh thu hợp nhất công ty đạt hơn 1.288 tỷ đồng , tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt 6% so với kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 263 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch đề ra.
Phía lãnh đạo SAGS cho biết, doanh thu vượt kế hoạch phụ thuộc vào các yếu tố như hãng hàng không Vietjet Air chuyển dịch cơ cấu máy bay từ A320 sang tàu bay lớn hơn A32; hãng hàng không Qatar Airways tăng tuần suất khai thác; hãng Asiana Airlines Cargo khai thác trở lại, chi nhánh Đà Nẵng có thêm các khách hàng mới: Qatar Airways, Air Seoul, Thai Vietjet Air, Okay Airways và sự phát triển mạnh của các dịch vụ phi hàng không.
>> Vietjet Air "dẫn đầu" với 1.713 chuyến bay chậm và huỷ trong 1 tháng