Vinapharm: Cổ đông không đồng ý nâng giới hạn đầu tư lên 35%

Tại ĐHCĐ sáng nay 27/11, cổ đông Tổng công ty Dược Việt Nam- CTCP (Vinapharm) đã xem xét thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động công ty. Cổ đông không đồng ý sửa đổi thẩm quyền của HĐQT về quyết định
Vinapharm: Cổ đông không đồng ý nâng giới hạn đầu tư lên 35%

ĐHCĐ lần 1 đã tiến hành xem xét, biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng: Điều lệ công ty, bầu HĐQT và ban kiểm soát, cơ chế tiền lương, thù lao. Bộ Y tế cũng công bố quyết định cử 3 người đại diện phần vốn nhà nước chiếm 65% vốn Vinapharm. 

Vinapharm hiện có vốn điều lệ là 2.370 tỷ đồng và là doanh nghiệp lớn nhất ngành dược. Trong đó, Nhà nước vẫn sở hữu 65% vốn điều lệ (tương đương 154 triệu cổ phần), giao cho Bộ Y tế đại diện vốn chủ sở hữu.

Tập đoàn Việt Phương là NĐT chiến lược 

Thay mặt Ban chỉ đạo CPH, ông Nguyễn Quý Sơn, chủ tịch HĐTV Vinapharm báo cáo tóm tắt về quá trình cổ phần hoá tổng công ty thời gian qua. Vinapharm là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Bộ Y tế tiến hành cổ phần hoá, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hoá cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thời gian bị chậm trễ kéo dài liên quan tới xác định giá trị doanh nghiệp, thời điểm và giá bán cổ phần IPO, tìm kiếm NĐT chiến lược…

Ban lãnh đạo đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xúc tiến tìm kiếm các đối tác phù hợp. Cuối tháng 5/2016, Vinapharm công bố NĐT chiến lược là tập đoàn đầu tư Việt Phương (VPIG) của ông Phương Hữu Việt, chủ tịch VietABank với sở hữu 17% vốn điều lệ. NĐT chiến lược cam kết sẽ đồng hành, đưa thương hiệu Vinapharm phát triển hơn nữa. 

Sau khi có phê duyệt về tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vinapharm đã tổ chức bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 22/6/2016. Khối lượng chào bán thành công là 42.557.000 cổ phần (chiếm 17% vốn) với 175 nhà đầu tư trúng giá, tổng giá trị thu về 444 tỷ đồng. Giá đấu thành công là 10.443 đồng/CP, giá trúng cao nhất là 16.500 đồng/CP.

Thẩm quyền đầu tư 20% 

Tại ĐHCĐ, HĐQT đã xin ý kiến cổ đông thay đổi nội dung tờ trình Dự thảo Điều lệ công ty về giới hạn đầu tư từ 20% (dự thảo) lên 35%. Cụ thể, sửa điều 14 và 20 về Quyền hạn và nhiệm vụ của ĐHCĐ và thông qua nghị quyết của ĐHCĐ. Theo đó, ĐHCĐ sẽ “quyết định đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong BCTC gần nhất của tổng công ty”. Đồng thời, Điều 20 về “Quyền hạn và Nhiệm vụ của HĐQT” cũng được nâng tỷ lệ quyết định đầu tư, bán tài sản lên bằng hoặc lớn hơn 35%, cao hơn mức 20% của tờ trình trước ĐHCĐ.

Theo ông Sơn, tỷ lệ 35% là mức sàn của Luật Doanh nghiệp quy định, còn tỷ lệ 20% là mức độ chặt chẽ hơn đối với HĐQT. Còn trong khoảng từ 20% đến 35% vẫn thuộc thẩm quyền quyết của ĐHCĐ.

Một cổ đông cho rằng, “tỷ lệ 20% là phù hợp vì nếu tăng lên 35% thì quyền của HĐQT quá lớn, lỡ các anh đem tiền đi gửi ngân hàng hay đầu tư gì, lãi không sao, còn lỗ sẽ rất lớn”.

Trong khi một cổ đông khác đề xuất nên tin tưởng và tăng quyền cho HĐQT để quyết định các dự án đầu tư lớn. Ví dụ, làm dự án 800 tỷ đồng thì mức độ quyết của HĐQT là 20% , khoảng gần 500 tỷ đồng.

Một cổ đông cho rằng, còn số 20% hay 35% không cố định, vì trong nhiệm kỳ 5 năm, tổng tài sản công ty sẽ tăng lên thì giá trị đầu tư sẽ tăng cao hơn. Do đó, đề nghị HĐQT giải thích rõ vì sao chọn tỷ lệ 20% hay 35%, cái nào là hợp lý để cổ đông quyết định. Sau này, Vinapharm đầu tư các dự án lớn thì với tỷ lệ 35% thuộc thẩm quyền của HĐQT thì cổ đông cũng không được có ý kiến. Tôi cho rằng tỷ lệ 20% là hợp lý.

ĐHCĐ đã biểu quyết về 2 phương án tỷ lệ 20% và 35%. Kết quả, đại đa số cổ đông Vinapharm nhất trí thông qua tỷ lệ giới hạn đầu tư, bán tài sản là mức 20%.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế công bố quyết định cử người đại diện 65% vốn nhà nước tham gia HĐQT và ban điều hành Vinapharm nhiệm kỳ 2016-2021. Cụ thể,

+ Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT là người đại diện 30% vốn điều lệ và ứng cử vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới.

+ Ông Đinh Xuân Hấn đại diện 20% vốn - ứng cử Tổng giám đốc

+ Bà Nguyễn Hồng Nhung, đại diện 15% vốn

ĐHCĐ đã tiến hành bầu các thành viên HĐQT gồm 5 người, gồm: Đinh Xuân Hấn, Nguyễn Hồng Nhung, Lê Văn Sơn, Hàn Thị Khánh Vinh (đại diện Tập đoàn Việt Phương), Trần Anh Vương.

Ban kiểm soát gồm 3 người: Trần Văn Hải (đại diện của Tập đoàn Việt Phương), Nguyễn Văn Khái, Đặng Lệ Thu.

5 năm tới đầu tư 3.000 tỷ 

Theo bản công bố thông tin IPO, trong giai đoạn năm 2016-2020, VINAPHARM phấn đấu doanh thu tăng trưởng với mức hơn 70%/năm, lợi nhuận sau thuế lại thụt lùi, cổ tức ở mức từ 2-4%, giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 2,370 tỷ đồng.

Ông Đinh Xuân Hấn, Uỷ viên HĐTV cho biết định hướng điều hành kinh doanh trong 5 năm tới. Trong đó, Vinapharm đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 đạt 339 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 375 tỷ đồng, năm 2019 và 2020 đạt lần lượt 1.029 tỷ đồng và 1.550 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 127 tỷ đồng, năm 2018 giảm còn 120 tỷ đồng, năm 2019 và 2020 lợi nhuận khiêm tốn ở mức 41 tỷ đồng và 64 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận này là do công ty tập trung đầu tư để có tăng trưởng cao hơn về dài hạn.

Trong 5 năm tới, Vinapharm sẽ đẩy mạnh đầu tư với 9 dự án, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Trong đó, sẽ phát triển vùng dược liệu với quy mô hơn 30.000 ha và 1 nhà máy chiết xuất dược liệu tiêu chuẩn GMP.

Tổng Công ty và các  đơn vị thành viên hiện đang thiếu một hệ thống phân phối dược đạt tiêu chuẩn chất lượng và có khả năng tương tác hoạt động giữa các đơn vị, như xây dựng hệ thống kho bãi và logistics.

Một vấn đề cổ đông quan tâm, chất vấn ban điều hành Vinapharm là khi nào sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Hoặc sớm đưa cổ phiếu lên giao dịch Upcom để tạo thuận lợi cho cổ đông giao dịch. Tuy nhiên, lãnh đạo Vinapharm chưa cho biết kế hoạch niêm yết cụ thể.

Vinapharm hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược. Trước CPH, tổng công ty đầu tư vốn tại 4 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính dài hạn tại 8 công ty khác với tổng giá trị là 1.547 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư này mang lại phần lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của Vinapharm.

Vinapharm cũng đang quản lý, sử dụng quỹ đất đai rộng lớn tới 9.869,2 m2

+ 3,280 m2 đất tại số 95 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội hiện là 1 tòa nhà 5 tầng mà trong đó VINAPHARM đang sử dụng tầng 1 và diện tích xung quanh là trung tâm kinh doanh.

+ 2,670 m2 đất tại 60B Nguyễn Huy Tường, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, VINAPHARM góp vốn thương quyền và tài sản trên đất để hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex xây dựng công trình tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư

+ 1,864 m2 (lô 1) và hơn 128 m2 (lô 2) đất cùng tại 12 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội hiện đang được sử dụng làm Trụ sở, văn phòng làm việc của VINAPHARM

+ 1,236 m2 tại 178 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, TP.HCM đang là văn phòng cũ, nát, xây dựng trước từ năm 1975 đã xuống cấp. Tổng Công ty dự kiến sẽ đầu tư cải tại, xây dựng văn phòng làm việc mới.

+ 692 m2 đất tại 126A Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM đang là trụ sở văn phòng đại diện của VINAPHARM tại TP.HCM, văn phòng này xây từ năm 1975 và đang xuống cấp, cần sửa chữa mới sử dụng được lâu dài.

Hải Hà 

 >> Chủ tịch bị bắt, khách mua dự án PVV Vinapharm Tower "chết lặng"

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...