Nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT SmartVision đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam vừa giành thắng lợi toàn diện tại đấu trường AI City Challenge 2024 uy tín thế giới là bước khẳng định mạnh mẽ cho trí tuệ Việt Nam.
VỊ THẾ CÔNG NGHỆ "MAKE IN VIETNAM" TRÊN BẢN ĐỒ AI THẾ GIỚI
Nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT SmartVision đại diện cho trí tuệ nhân tạo Make in Vietnam xuất sắc giành chiến thắng toàn diện tại cuộc thi hàng đầu thế giới về công nghệ thị giác máy tính AI City Challenge 2024 diễn ra mới đây. Tuy vậy, có nhiều người chưa biết, nền tảng này đã được tích hợp thành công và mang tới hiệu quả thiết thực trong việc giám sát giao thông, giữ gìn an ninh trật tự tại nhiều đại phương trên cả nước, như Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Tây Ninh, Thái Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam,…
Tại cuộc thi AI City Challenge 2024, nhóm kỹ sư trẻ của VNPT AI đã giành chiến thắng trong hạng mục phát hiện vật thể từ camera mắt cá. Đây là bài toán lần đầu xuất hiện với độ phức tạp rất cao.
Giải pháp VNPT SmartVision thể hiện tinh thần “Make in Vietnam” với hơn 40 mô hình AI xử lý hình ảnh. Trong đó, mô hình AI nhận diện phương tiện giao thông đã vượt qua hơn 400 mô hình dự thi cùng đăng ký tranh tài ở thử thách khó nhất - phát hiện vật thể từ camera mắt cá với thách thức xác định đầy đủ các đối tượng trong giao thông hỗn hợp như xe buýt, xe đạp, ô tô, người đi bộ, xe tải,… từ hình ảnh bị cong vênh, bóp méo, độ phân giải nhỏ và mất cân bằng dữ liệu. Hạng mục yêu cầu xử lý dữ liệu hình ảnh từ ống kính camera giao thông góc siêu rộng, bao gồm toàn cảnh 180 độ và 360 độ quan sát.
Nhớ lại những ngày thi đầy áp lực trong cuộc thi, anh Dương Việt Hùng - Giám đốc Nền tảng VNPT SmartVision cho biết, cuộc thi kéo dài 2 tháng và được chia thành 2 chặng với gần 730 đội tham gia từ 47 quốc gia, tăng 43% số lượng đội thi so với năm 2023
Tại hạng mục phát hiện vật thể từ camera mắt cá - bài toán lần đầu xuất hiện với độ phức tạp rất cao, các đội tham gia 2 chặng thi. Trong chặng đầu tiên, kết quả được cập nhật theo thời gian thực, nên nhóm phát triển biết ngay thứ hạng của mình. Sang chặng thứ hai, các đội phải thi trên bộ dữ liệu kín và kết quả được cập nhật theo ngày. Điều này làm tăng tính cạnh tranh và khiến cuộc thi đầy kịch tính.
“Nhóm của chúng tôi dẫn đầu và chưa từng rớt hạng trong suốt quá trình tham gia thi. Tuy nhiên, các đội thi còn lại đều tới từ những doanh nghiệp, tổ chức lớn trên thế giới nên áp lực là không nhỏ. Nhưng, thay vì lo lắng, chúng tôi chọn tập trung về phía trước”, Việt Hùng nói.
Việt Hùng cũng cho biết, VNPT SmartVision được phát triển từ năm 2018, đến nay đã hoàn thiện và là nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo với hơn 40 loại model AI xử lý hình ảnh khác nhau đáp ứng nhiều lĩnh vực như giám sát an ninh, giao thông, y tế, giáo dục, định danh và xác thực điện tử,…
Tới nay, VNPT SmartVision triển khai thực tế cho hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp, tập trung vào 4 lĩnh vực xử lý hình ảnh chính gồm giám sát giao thông, giám sát an ninh, số hóa văn bản, và nhận diện, tìm kiếm khuôn mặt.
Riêng về giao thông và giám sát an ninh, giải pháp đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Tây Ninh, Bắc Giang, và Ninh Bình, giúp các lực lượng chức năng quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, dừng đỗ xe sai quy định, phát hiện tai nạn giao thông...
“Nhờ vào tập dữ liệu lớn, cùng kinh nghiệm triển khai thực tế, chúng tôi liên tục nâng cấp các mô hình AI, đồng thời tối ưu hóa chúng để có tính tương thích cao với hình ảnh tại Việt Nam. Hiện nay, độ chính xác trung bình của các model AI là hơn 95%. Một số model như nhận diện khuôn mặt đạt độ chính xác lên tới 99,99%”, đại diện nhóm phát triển VNPT SmartVision nói và khẳng định hiện nền tảng công nghệ sẵn sàng tích hợp vào hệ thống camera giám sát ở khu vực giao thông phức tạp nhất tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Toàn bộ công nghệ của VNPT SmartVision là “Make in Vietnam”, được nghiên cứu và phát triển bởi chính các kỹ sư tại VNPT AI nhưng điều này không đồng nghĩa rằng giải pháp “Make in Việt Nam” chỉ hiệu quả tại Việt Nam. Và việc giành chiến thắng tại hạng mục có độ phức tạp cao nhất của cuộc thi hàng đầu thế giới về lĩnh vực Thị giác máy tính AI City Challenge 2024 là minh chứng thuyết phục cho khả năng cạnh tranh quốc tế của giải pháp "Make in Vietnam" nói chung và của VNPT nói riêng.
LỜI GIẢI CHO NHIỀU “BÀI TOÁN” KHÓ
Thời gian qua, VNPT đã phát triển VNPT SmartVision để đáp ứng các nhu cầu về nghiệp vụ xử lý hình ảnh trên thị trường với 4 nhóm tính năng chính là giám sát giao thông, giám sát an ninh, số hóa văn bản, nhận diện và tìm kiếm khuôn mặt.
Tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, việc phạt nguội được triển khai từ tháng 10/2023. Hơn 100 camera tích hợp VNPT SmartVision được lắp đặt tại 22 vị trí giao thông trọng điểm thuộc địa bàn. Dự kiến đến cuối năm nay, sẽ có hơn 500 camera có tích hợp giải pháp này.
Các camera này tự động ghi nhận hình ảnh vi phạm, truyền về trung tâm giám sát camera của Công an thành phố Tân An toàn bộ dữ liệu các hành vi, vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn, quá tốc độ, dừng xe đỗ xe sai quy định, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm khác. Từ đó, Công an thành phố Tân An sẽ xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và thông báo cho chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện để giải quyết.
Công an thành phố Tân An cho biết, việc triển khai lắp đặt hệ thống camera để phạt nguội các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Việc này cho thấy hiệu quả tích cực – người tham gia giao thông đã chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông tốt hơn, thời gian gần đây số lượng vi phạm giảm khoảng 80%. Thời gian tới, thành phố Tân An tiếp tục sẽ triển khai đề án lắp đặt camera giám sát, xử phạt trật tự trật tự an toàn giao thông bằng camera ở các tuyến đường trên địa bàn thành phố Tân An.
Việc giám sát giao thông và xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh Camera giám sát nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân địa phương. Chị Võ Thị Thu Phương, phường 2, thành phố Tân An cho biết: “Từ khi có camera giám sát, ý thức của người dân tham gia giao thông được nâng cao. Trước đây, ai ra đường chạy xe muốn dừng, muốn đậu xe ở đâu là tấp vào, rồi cứ quay đầu xe tùy ý, hay không quan tâm đến tốc độ cho phép. Còn từ ngày có thông tin phạt nguội qua camera giao thông, thì ai cũng ý thức, nhắc nhở nhau. Nếu không sẽ bị camera ở đâu đó ghi lại rồi nhận quyết định phạt nguội nên ai cũng sợ mà chấp hành”.
Ngoài chức năng giám sát giao thông, VNPT SmartVision còn đang được áp dụng vào công tác sàng lọc và chẩn đoán ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Hiện nay đề tài đã bước vào giai đoạn nước rút với những tín hiệu rất tích cực về tỉ lệ chính xác của hệ thống.
“Việc loại bỏ những chẩn đoán không cần thiết và giảm số lượng các thủ tục phức tạp cũng sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, giảm thời gian và áp lực mà họ phải dành cho quá trình điều trị. Vì vậy, VNPT SmartVision trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ tuyến dưới trong việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp. Kết quả của quá trình nghiên cứu, ứng dụng sẽ được công bố trong tương lai gần”, đại diện nhóm kỹ sư phát triển VNPT SmartVision thông tin.
Hiện nay, với hơn 40 model AI, nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT SmartVision còn được ứng dụng vào nhiều bài toán cụ thể. Trong giáo dục, model AI xử lý hình ảnh khuôn mặt để phát triển Trợ lý AI quản lý an toàn đưa đón học sinh (vnFace School). Công tác quản lý đưa đón học sinh của nhà trường được đảm bảo an toàn cao độ với quy trình nhận diện khuôn mặt nghiêm ngặt cho giáo viên phụ trách xe, phụ huynh và học sinh khi lên, xuống xe.
Đồng thời, vnFace School còn cung cấp tính năng cập nhật thời gian thực về hành trình của học sinh cho phụ huynh và nhà trường. Điều này giúp cô giáo, nhà trường, bảo mẫu, phụ huynh nắm bắt kịp thời các tình huống bất thường trong quá trình đưa đón học sinh.
Trong thanh toán số, hơn 100 ngân hàng, tổ chức tài chính, viễn thông và thương mại trực tuyến như TPBank, HDBank, Vietcombank, SHB, MBBank, Kookmin Bank, Momo… đã tích hợp model AI xử lý hình ảnh phục vụ định danh và xác thực điện tử cho hơn 40 triệu người dân Việt Nam.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đã mở rộng ứng dụng các model AI xử lý hình ảnh sang lĩnh vực chữ ký số và hợp đồng điện tử để chống lại các thủ thuật giả mạo về giấy tờ và khuôn mặt, góp phần thúc đẩy giao dịch số an toàn và hiệu quả”, Giám đốc Nền tảng VNPT SmartVision Dương Việt Hùng nói thêm.